Góp tiền thuê xe gom rác thải
Về các vùng nông thôn trong thời gian trước đây, hình ảnh những con đường quê “gánh” đầy rác thải ở hai bên lề, hoặc nhìn thấy những “dòng sông rác” là chuyện... bình thường. Thế nhưng, bây giờ những hình ảnh ấy không còn, thay vào đó là những con đường làng sạch sẽ, tinh tươm. Có nhiều địa phương không trông chờ vào dịch vụ công ích của chính quyền, mà người dân tự bỏ tiền túi ra thuê xe thu gom rác thải, ví như ở hai thôn Tân Lập và Tráng Long thuộc xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn, Bình Định).
Ông Nguyễn Việt Thưởng, Cán bộ phụ trách môi trường xã Nhơn Lộc, cho hay: “Trước đây, người dân địa phương xử lý rác bằng cách thu gom hằng ngày rồi đốt tại vườn nhà, hoặc vứt bừa bãi ra môi trường. Thế nhưng hiện tại, xuất phát từ hai thôn Tân Lập và Tráng Long người dân tự bỏ tiền ra thuê xe thu gom rác thải, phong trào tự nguyện làm sạch môi trường nông thôn lan rộng khắp các địa bàn. Việc người dân tự góp tiền thuê xe thu gom rác gặp không ít khó khăn vì chính quyền xã chưa có chính sách hỗ trợ. Thế nhưng khi có sự đồng lòng của dân là làm được hết”.
Hộc xử lý rác thải sử dụng trong nông nghiệp được xây khắp các vùng sản xuất
Nông dân Bùi Văn Tám ở thôn Tân Lập (xã Nhơn Lộc) cho biết: “Trước đây, chúng tôi cho rác vào bì rồi đợi đêm tới mang ra bỏ ra ngoài đồng, nhà nào gần mương thì vứt xuống mương, nhiều khi rác dồn lại gây ách tắc cả dòng chảy. Từ khi có xe thu gom rác, tình trạng nói trên đã không còn, nhà nào cũng ý thức thu gom rác, phân loại rồi đợi xe rác đến cho lên xe. Từ khi có xe rác hoạt động, khắp thôn xóm không còn tình trạng vứt rác bừa bãi nữa”.
Ở HTXNN phường Bình Định (TX An Nhơn), ngoài những dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, HTX này còn thành lập hẳn Cty môi trường; tự bỏ vốn ra mua 2 xe thu gom rác, không chỉ hoạt động trên địa bàn phường Bình Định mà còn thu cả rác trên địa bàn phường Nhơn Hòa và phường Đập Đá.
Mặc dù dịch vụ này được xem là “gánh nặng” về tài chính của HTX vì thu nhập không đủ “nuôi” 8 công nhân và 2 tài xế. Những khi xe rác hỏng, HTX còn phải trích kinh phí sửa chữa, thế nhưng Ban chủ nhiệm HTXNN phường Bình Định vẫn duy trì dịch vụ này suốt 5 năm qua với mục tiêu làm sạch môi trường nông thôn.
Làm sạch ruộng đồng
Bây giờ, về thôn Tri Thiện, xã Phước Quang (Tuy Phước, Bình Định), ai nấy đều không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy trên những cánh đồng ở đây rải rác xuất hiện những cái hộc xây bằng xi măng. Hỏi ra mới biết, đó là những cái hộc để bà con nông dân pha chế thuốc BVTV xử lý sâu bệnh hại cây lúa cho những đám ruộng của mình. Tại mỗi hộc đều có hầm rút nước thải để khi nông dân pha thuốc không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, đây cũng là nơi thu gom bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng và các loại rác vô cơ khác.
"Việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng đã thấm sâu vào ý thức của nông dân. Họ hành động tự nguyện vì sức khỏe của chính mình, cũng là vì sự trong lành của môi trường sinh thái ruộng đồng. Trong các buổi họp thôn, sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường phổ biến cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường nông thôn", bà Lê Thị Đông Vịnh, Phó trưởng Trạm BVTV huyện Tuy Phước. |
Nông dân Võ Thành Cơ ở thôn Tri Thiện (xã Phước Quang) cho biết: “Trước đây, bà con nông dân thường chọn những mương nước để pha thuốc BVTV bơm ruộng. Trong quá trình pha chế không thể tránh khỏi việc thuốc BVTV làm ô nhiễm nguồn nước trong mương. Nhiều khi ở đầu mương pha thuốc BVTV, phía cuối mương bò uống phải liền lăn đùng ra giữa ruộng. Thậm chí sử dụng thuốc BVTV xong là vứt bao bì ngay ra bờ ruộng hoặc xuống mương nước, mỗi lần đi thăm đồng bà con phải hít thở không khí nồng nặc mùi hóa chất độc hại. Bây giờ, sử dụng thuộc BVTV xong, bà con gom lại một chỗ, sau đó mang bỏ vào hộc chờ xử lý. Môi trường đồng ruộng bây giờ không còn ô nhiễm như trước kia, sức khỏe của người nông dân chúng tôi cũng được bảo vệ tốt hơn”.
Tại Bình Định, mô hình “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên cây lúa” (gọi tắt là VietGAP lúa) lần đầu tiên được BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT Bình Định xây dựng tại xã Phước Quang (Tuy Phước) có diện tích gần 15 ha với 110 hộ nông dân tham gia. Hiệu quả thiết thực của mô hình này mang lại mà đối tượng hưởng lợi trực tiếp là bà con nông dân đã nhanh chóng thu hút nhiều địa phương tham gia. Như ở thôn Luật Chánh (xã Phước Hiệp), nông dân tự truyền tai nhau thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng rơi vãi tại những cánh đồng về tập trung tại hố chứa và xử lý định kỳ.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn