Một thời là "lâm tặc"
Trong chuyến công tác lên huyện Văn Bàn, chúng tôi tìm đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN PTNT) huyện để tìm hiểu về tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương này.
Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Hữu Thiện – Trưởng Phòng NN PTNT huyện Văn Bàn, chúng tôi tìm về thôn Én 1, xã Khánh Yên Trung để gặp nông dân giỏi Nguyễn Trường Tam – người tiên phong “bắt” đất nở hoa từ trồng cây cam.
Ông Nguyễn Trường Tam - người đầu tiên trồng thành công cây cam trên đất Văn Bàn.
Hôm chúng tôi đến, ông Tam đang tất bật cân những trái cam Vinh chín vàng, mọng nước bán cho khách hàng. Ông Tam có dáng người đậm, làn da rám nắng, bắp tay, bắp chân săn chắc như vận động viên thể hình. Nhìn thấy người lạ đến chơi, ông Tam niềm nở tiếp đón chúng tôi.
Theo ông Tam, khâu quan trọng nhất trong trồng cam là phải có nước và phân bón đầy đủ.
Ngược dòng thời gian về quá khứ, ông Tam nhớ lại: Năm 1976, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, tôi cùng bố mẹ rời nơi “chôn rau cắt rốn” ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định lên khai hoang vùng kinh tế mới tại xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn. Đến năm 1987, sau khi lập gia đình, cuộc sống nơi miền sơn cước vốn đã khó khăn, nay lại chồng chất thêm. Cứ nghề nào kiếm ra tiền là tôi làm hết.
Chia sẻ kỹ thuật trồng cam, ông Tam cho biết: Trước khi trồng đào hố sâu 90 cm, rộng 70 cm, sau đó bón lót và trồng cây lên trên.
Chỉ vào đôi bàn tay chai sạn, nứt nẻ của mình, ông Tam bảo: “Đây là vết tích một thời làm lâm tặc và phụ hồ. Thời đó bĩ cực quá, không còn cách nào khác”.
Vùng đất Văn Bàn khi ấy là bạt ngàn rừng Pơ mu, Dổi… Do cuộc sống đói nghèo, không còn hướng đi nào khác, ông Tam cùng với người dân bản địa vác rìu, vác cưa sống chui lủi trên rừng đốn hạ gỗ Pơ mu về bán lấy tiền mua gạo nuôi gia đình.
Để hạn chế sâu bệnh cho cam, ông Tam dùng giấy bẫy côn trùng.
Năm này qua năm khác, ông Tam nhận thấy nếu cứ hành nghề “lâm tặc” này thì không thể bền vững được. Nhìn những gốc Pơ mu 2 – 3 người ôm không xuể rỉ máu, môi trường sinh thái bị phá hoại mà ruột ông đau như cắt. Vốn là người nhạy bén và hiểu biết, ông Tam vận động người dân sở tại quay về thôn bản tập trung cấy ruộng, chăn nuôi phát triển kinh tế.
Đến người tiên phong “bắt” đất nở hoa
Trở về bản làng, ông Tam lao vào trồng 2 ha cây keo, cây luồng trên mảnh đất nông nghiệp của gia đình. 10 năm sau rừng keo, rừng luồng phát triển xanh ngát phủ kín, tỏa bóng mát khắp nhà.
Được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cam nhà ông Tam cho quả sai trĩu cành.
“Sau 10 năm trời chăm sóc keo, luồng đến thời kỳ cho khai thác nhưng chỉ thu được có 10 triệu đồng, không hiệu quả, chán nản nên tôi từ bỏ không trồng nữa” – ông Tam kể.
Không chịu cho đất nghỉ ngơi, năm 2016, ông Tam cùng với một người bạn cất công xuống tận huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình học lấy kỹ thuật trồng cam Vinh, cam Đường Canh.
Ông Tam cho biết thêm: Nếu xoay được vốn, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam.
Có được kiến thức trong tay, ông Tam trở về thôn Én 1 thuê máy xúc múc, xới diện tích đất trồng rừng trước đó để đào hố trồng cam. Sau đó, ông nhập 1.600 gốc cam Vinh, 200 gốc cam Đường canh từ huyện Cao Phong về trồng.
Chỉ tay về hướng vườn cam rộng hơn 2 ha đằng trước nhà đang cho quả sai trĩu cành, ông Tam bảo: “Tính tất tần tật các loại chi phí, chú đổ vào đây trên 1 tỷ đồng. Nhiều khi làm ăn cũng phải liều một tý cháu ạ”.
Nhờ được chăm sóc tốt, sau 3 năm vườn cam nhà ông Tam đã cho lứa quả đầu tiên. Năm 2018, ông thu được 10 tấn quả cam Vinh và cam Đường canh. Với giá bán trung bình tại vườn là 22.000 đồng/kg, ông thu được trên 200 triệu đồng. Dự kiến, năm 2019, ông thu trên 30 tấn quả.
Ngoài trồng cam, ông Tam còn trồng thêm 200 gốc bưởi Hoàng.
Ông Tam bộc bạch: Làm gì cũng vậy, phải đổ mồ hôi, công sức, mới cho hái trái ngọt được. Tôi mong muốn từ mô hình này sẽ đánh thức được suy nghĩ làm nông nghiệp của đồng bào người dân tộc nơi đây.
Nói về lão nông Nguyễn Trường Tam, ông Vi Ngọc Hoan – Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Trung, cho biết: Ông Tam là người nông dân đầu tiên trồng thành công cây cam tại huyện Văn Bàn. So với các loại cây trồng khác, cây cam cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần.
Mô hình trồng cam của ông Tam được đầu tư rất bài bản và khoa học, hiện đang được chăm sóc theo hướng VietGAP. Làm nông nghiệp phải làm như ông Tam. Đây là hướng đi phát triển kinh tế nông nghiệp của Khánh Yên Trung nói riêng và huyện Văn Bàn nói chung trong thời gian tới.
Theo A lử/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn