Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tại huyện Thường Tín.
|
Từ công tác dân vận… Sau 5 năm bắt tay vào xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện Thường Tín đã có những bước phát triển vượt bậc với mức thu nhập bình quân đầu người hơn 21 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện đã xóa 100% số nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,46%... Đây là kết quả có được từ sự linh hoạt trong xây dựng Đề án 02 về cơ chế đặc thù xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã được thành phố phê duyệt. Theo đó, huyện đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của huyện và hơn 40 tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân cho việc kiên cố hóa 56,21 km đường giao thông nông thôn và 7,2 km đường trục chính nội đồng, xây dựng 22 km rãnh thoát nước. Chính vì vậy, mặc dù là tiêu chí cần nhiều kinh phí đầu tư nhưng đến nay các xã trên địa bàn huyện Thường Tín đã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giao thông nông thôn. Trưởng phòng kinh tế huyện Thường Tín Lưu Đức Phúc cho biết, trước khi xây dựng NTM, trên địa bàn huyện chỉ có một xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông, một xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thủy lợi, một xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí điện trường học, chưa có xã nào đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa… Đến nay, Thường Tín đã có 10 xã đạt chuẩn NTM. Những thành công bước đầu trong xây dựng NTM của huyện Thường Tín đã phần nào chứng minh, xây dựng NTM không phải là quá khó nếu biết phát huy nguồn nội lực, và tranh thủ được sự đồng thuận của dân. Điều này càng được làm rõ hơn khi chúng tôi đến xã Vạn Điểm, một trong những xã sớm cán đích NTM nhờ sự công khai, dân chủ trong xây dựng NTM. Theo ghi nhận của người dân địa phương, chỉ sau ba năm triển khai đề án xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người trên toàn xã đã đạt gần 30 triệu đồng/ người/ năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,74%. Nói về những thành công trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà cho chúng tôi biết: “Công tác dân vận trong xây dựng NTM đã được xã đặc biệt chú trọng. Tất cả những công việc liên quan đến NTM đều được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, nhất là những công trình xây dựng có nguồn vốn đóng góp của dân đều được đưa ra dân bàn, dân giám sát cho nên chất lượng các công trình hầu hết được bảo đảm, tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong dân”. Niềm vui từ NTM đã thật sự lan tỏa khắp xã Vạn Điểm, ông Nguyễn Hồng Quý, chủ một cửa hàng đồ gỗ trong xã không giấu được niềm vui khoe với chúng tôi: “Từ khi xây dựng NTM, đời sống người dân được nâng cao, người nghèo được trợ cấp xã hội, hỗ trợ sửa chữa nhà, được mua BHYT. Mừng nhất là giao thông thuận lợi đã góp phần thúc đẩy giao thương làng nghề phát triển”. Không chỉ có Vạn Điểm thành công do làm tốt công tác dân vận mà các xã khác trong huyện như xã Hòa Bình, Minh Cường, Nhị Khê đã biết tận dụng lợi thế sức dân để làm NTM. Đây cũng chính là động lực lớn nhất và cũng là thế mạnh của Thường Tín và cùng với đó là những cách làm táo bạo để sớm hoàn thành chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM. … Đến đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM Ngay từ đầu năm 2015, huyện Thường Tín đã có kế hoạch cụ thể trong phân bổ ngân sách cho các xã điểm có tiêu chí gần đạt bộ tiêu chí NTM. Huyện hỗ trợ 50 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường học và hỗ trợ 500 triệu đồng cho mỗi nhà văn hóa để các xã đăng ký chuẩn NTM hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Song, tính đến thời điểm hiện tại, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn gặp không ít khó khăn do vướng mắc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đơn cử như cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Trong nông nghiệp chưa hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị. Một số dự án thành phần trong đề án xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải làng nghề đang chậm tiến độ, ảnh hưởng tới nỗ lực hoàn thiện tiêu chí về môi trường… Trước mắt, huyện Thường Tín cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị thu nhập cho nông dân, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chủ lực có hiệu quả kinh tế cao nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất lương thực đạt 70 nghìn tấn và giá trị trên đơn vị diện tích canh tác đạt hơn 125 triệu đồng/ha. Với quyết tâm này, Thường Tín sẽ biến nguồn nội lực trở thành sức mạnh tập thể để các xã sớm cán đích NTM. Theo nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn