Những năm qua, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn thể hiện gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền và dân tộc. Đặc biệt, nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử thì nay đã được khôi phục, phát triển trở lại. Tuy nhiên, trong vòng xoáy kinh tế thị trường, các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết…
Làng nghề và câu chuyện hồi sinh
Bát Tràng là làng nghề truyền thống với hơn 700 năm lịch sử ở Hà Nội. Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã có nhiều sản phẩm thuộc loại cao cấp, quý hiếm có tiếng trong và ngoài nước nhưng mẫu mã và chủng loại chưa đa dạng. Những năm gần đây, thị hiếu khách hàng, nhu cầu thị trường ngày càng yêu cầu gốm Bát Tràng phải đổi mới, đa dạng về mẫu mã, thể loại… Các nghệ nhân Bát Tràng đã phát huy được sự khéo léo, tài năng để đáp ứng được những yêu cầu đó. Không chỉ tạo ra những sản phẩm gốm gia dụng có tính thẩm mỹ cao mà dưới bàn tay của người Bát Tràng, những sản phẩm mỹ nghệ còn đạt đến tầm tác phẩm nghệ thuật… Nhờ vậy, Bát Tràng được coi là một trong số những làng nghề truyền thống sống tốt được bằng nghề với doanh thu vài năm gần đây ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Khách tham quan mua sắm tại một cửa hàng đồ gốm ở làng Bát Tràng. Ảnh: Hạnh Dung. |
Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) là một làng nghề truyền thống điêu khắc, tạc tượng, đồ thờ sơn son thếp vàng có lịch sử hơn 1000 năm tuổi. Sau bao thăng trầm lịch sử, có lúc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng phải giải tán… Đến năm 2002, Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng được thành lập với sự tâm huyết của một số nghệ nhân của làng và năm 2013, UBND huyện Hoài Đức ký Quyết định thành lập Hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng… Đến nay, làng nghề có tới hơn 4.000 lao động thường xuyên, thu hút hơn 1000 lao động ở địa phương khác đến học nghề, phụ việc. Kinh tế địa phương nhờ đó cũng liên tục tăng trưởng cao, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của làng nghề chiếm 60-68% cơ cấu kinh tế toàn xã. Thị phần sản phẩm tượng, đồ thờ điêu khắc, sơn son thiếp vàng, bạc truyền thống phục vụ tâm linh của làng nghề ước tính đạt hơn 60% của cả nước. Các sản phẩm của Sơn Đồng đã đi vào đời sống của người dân một cách rộng rãi, có uy tín và thương hiệu bền vững.
Gốm Chu Đậu là dòng gốm cổ cao cấp của nước ta, phát triển rực rỡ thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc. Sau hơn 400 năm thất truyền, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã thành lập Công ty CP gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu… Không chỉ gìn giữ được những tinh hoa trong nghề của ông cha để lại, bảo tồn nét văn hóa và nghệ thuật làm gốm Chu Đậu trong từng sản phẩm, gốm Chu Đậu ngày nay còn kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa ấy dựa trên dây chuyền sản xuất và những kỹ thuật hiện đại phục vụ nhu cầu thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Từ năm 2001 đến nay, sản lượng gốm của Công ty Gốm Chu Đậu liên tục tăng, bình quân tăng hơn 30%/năm; lao động làm việc tại Công ty tăng từ 100 lên 350 người, được đào tạo bài bản; thu nhập bình quân tăng; mẫu mã sản phẩm liên tục được đa dạng (hiện tại có hơn 380 mẫu sản phẩm vẽ vàng)... Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Gốm Chu Đậu của công ty đã có mặt tại một số thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Nga, Hàn Quốc...
Làng dệt đũi Nam Cao đã nhộn nhịp tiếng dệt cửi trở lại. Ảnh: Thanh Hạnh. |
Làng nghề truyền thống dệt đũi Nam Cao (Thái Bình) có tuổi đời 400-500 năm. Giống như nhiều làng nghề khác trong giai đoạn kinh tế thị trường, đũi Nam Cao có nguy cơ thất truyền trong sự tiếc nuối của nhiều người. Trước thực tế đó, năm 2011, chị Lương Thanh Hạnh (Hà Nội) đã quyết tâm khôi phục lại làng nghề dệt đũi Nam Cao… Từ chỗ chỉ có vài người trong làng còn biết dệt đũi, đến nay, Nam Cao đã có hơn 100 lao động dệt đũi và hàng trăm lao động ở vùng trồng dâu nuôi tằm, có thu nhập trung bình hằng tháng hơn 10 triệu đồng. Sản phẩm từ đũi, lụa Nam Cao còn xuất hiện thường xuyên trên sàn diễn trong và ngoài nước trong các bộ sưu tập thời trang cao cấp của các nhà thiết kế nổi tiếng như: Minh Hạnh, Hảo Nguyễn, Ngọc Hân…
Gian nan để phát triển
Có thể nói, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam là nước có nhiều làng nghề truyền thống bậc nhất. Với đặc điểm lao động khéo tay, tỉ mỉ, cần cù nên sản phẩm rất đa dạng về chủng loại, như: Gốm sứ, mây tre đan, dệt thủ công, thêu đan, điêu khắc… Nhiều mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài được khách hàng đánh giá cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, các làng nghề truyền thống phải đối diện với những thách thức lớn trong tìm hướng phát triển bền vững. Giải pháp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đào tạo nhân lực, ô nhiễm môi trường… đang là những khó khăn đặt ra không chỉ với riêng làng nghề truyền thống nào!
Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất của làng nghề đều nằm trong khu dân cư, tại các hộ gia đình và chưa có hệ thống xử lý chất thải phù hợp nên ô nhiễm môi trường, tiếng ồn đang là vấn đề nan giải ở các làng nghề. Nghệ nhân Hà Văn Lâm, Trưởng ban đại diện Làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng cho biết, mặc dù, từ năm 2000, làng Bát Tràng bắt đầu sử dụng lò nung gốm bằng gas, giúp tiết kiệm chi phí và giảm 50-60% lượng khói bụi so với dùng lò truyền thống, tuy nhiên, do chi phí xây dựng lò gas khá cao (100-150 triệu đồng) nên nhiều hộ sản xuất chưa đầu tư xây lò. Hiện nay, Bát Tràng có khoảng 1.150 lò nung gốm, trong đó 2/3 là lò gas hiện đại, còn lại là lò truyền thống nung bằng than củi. Vì vậy, hằng ngày, lượng chất thải rắn từ lò nung than, lượng khói thải ra không khí rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Thợ làm gốm tại làng Bát Tràng. Ảnh: Văn Hạnh. |
Ở làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), cùng với sự phát triển về kinh tế thì ô nhiễm môi trường tại đây cũng đang là vấn đề báo động. Chất thải, khói, nước thải từ các hộ làm nghề có hóa chất như axit, xút… không có hệ thống xử lý mà được đổ thẳng ra các ao, hồ, bãi đất trống nhiều năm nay. Mặc dù địa phương và nhiều hộ sản xuất đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc khắc phục tình trạng trên nhưng để giải quyết hiệu quả vấn đề này thực sự cần đến một giải pháp mang tính hệ thống, tổng thể.
Nguồn nhân lực có chất lượng cũng là một khó khăn đặt ra cho các làng nghề truyền thống hiện nay. Phần lớn các làng nghề truyền thống với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta đều có tính chất truyền nghề bằng hướng dẫn, truyền khẩu, theo kinh nghiệm, tự học nên hiệu quả, chất lượng nhân lực không cao. Đặc biệt với những nghề ở lĩnh vực tạo hình đòi hỏi kỹ thuật cao. Điều này làm cho mẫu mã, chất lượng sản phẩm của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chưa cao, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tổng thu nhập của cả làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Nam Định) cách đây chừng 5 năm trước là khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Nhưng vài năm trở lại đây, tình hình tiêu thụ chững lại khiến doanh thu giảm sút. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, Hiệp hội Làng nghề gỗ La Xuyên, nguyên nhân do vấn đề mẫu mã ít, lại không được cải tiến, thay đổi cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tay nghề truyền thống là quan trọng nhưng phải có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để sáng tác ra mẫu mã mới. Tuy nhiên, không phải thợ nào cũng có khả năng này. “Theo khảo sát thực tế hiện nay tại làng nghề chúng tôi, 90% thợ không biết vẽ và cũng không sáng tạo ra mẫu mã mới được. Số còn lại chỉ có thể cải tiến hoặc thay đổi một số họa tiết trên sản phẩm” - ông Đức cho biết.
Thực tế, đa số các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống đều nhận thấy nhu cầu cần thiết của việc thay đổi, cải tiến mẫu mã sản phẩm trong việc phát triển làng nghề; mong muốn có những lớp dạy nghề, đào tạo cơ bản, nâng cao để phục vụ nguồn nhân lực chất lượng cao tại các làng nghề truyền thống hiện nay.
Ngoài ra, những vấn đề về vùng nguyên liệu, nghiên cứu thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống… cũng đang là những thách thức ở các làng nghề truyền thống hiện nay. Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thì “chúng ta đang rất cần có một chính sách bài bản để phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững trong giai đoạn hiện nay”.
VÂN ANH-MỸ LINH-ĐẶNG NGÂN
http://www.qdnd.vn/