Ngoài SX nông nghiệp, hàng trăm năm nay, thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) còn có nghề làm bún, bánh.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, nhờ tìm được hướng đi đúng, nghề làm bún đã có thêm cơ hội phát triển.
Từ khi Yên Viên thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nghề làm bún, bánh đã có thêm cơ hội phát triển mạnh, đời sống của người dân đã có những thay đổi đáng ghi nhận.
Yên Viên là thôn duy nhất trong xã SX bún, bánh. Cả thôn có 530 hộ với 2.026 nhân khẩu thì khoảng 100 hộ làm bún, 20 hộ làm bánh mỳ và 30 hộ SX bánh phở, còn lại một số hộ làm quẩy phục vụ các hàng ăn uống. Ngoài ra, còn một số gia đình làm các mặt hàng khác như bánh giầy, bánh chưng, bánh giò...
Vài năm trở lại đây, để thúc đẩy quy mô và chất lượng sản phẩm, hầu hết các hộ gia đình đã đầu tư máy móc, cơ giới hóa dây chuyền SX.
Chị Nguyễn Thị Thái, chủ hộ SX bún sợi cho biết, trước đây, do làm thủ công nên mỗi ngày 4 người trong gia đình chị cũng chỉ chế biến được 100kg gạo. 5 năm trước, gia đình chị đầu tư mua dây chuyền SX bún khép kín theo quy trình an toàn bằng inox nên hiện nay 500kg gạo chỉ làm gọn trong nửa ngày.
"Để có những sản phẩm bún tươi ngon cho các cửa hàng ăn uống vào sáng sớm, đa phần các hộ dân phải SX vào ban đêm, từ 24h hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Ban ngày, nhất là vào tầm trưa thì đường làng không một bóng người vì họ ngủ bù. Dân làng vẫn nói vui là ngủ ngày, cày đêm”, chị Thái chia sẻ.
Ông Đặng Văn Hiệp, chủ hộ SX bánh phở cho biết, các khâu từ xay gạo, tráng bánh, cắt bánh... của gia đình đều được thực hiện trên dây chuyền theo quy trình khép kín nên tốn ít sức lao động.
Cũng theo ông Hiệp, 1kg gạo SX trên dây chuyền này sẽ cho từ 2,5 - 2,6kg phở, cao hơn nhiều so với làm thủ công trước đây nên lợi nhuận cũng lớn hơn. Mỗi ngày gia đình ông bán ra thị trường trên 500kg bánh phở, trừ các chi phí đem lại lợi nhuận 600 nghìn/ngày.
Để đảm bảo uy tín, chất lượng với khách hàng, trong thôn hiện không nhà nào sử dụng phụ gia trong SX. Nhờ đó, lượng khách đặt hàng thường xuyên tăng.
"Bà con rất nhiệt tình đóng góp xây dựng NTM. Để xây dựng các tiêu chí văn hóa, giao thông, nhân dân đã quyên góp được 140 triệu đồng để sửa sang đường làng ngõ xóm, cống rãnh, nhà văn hóa. Kinh tế thôn phát triển tương đối đồng đều, toàn thôn hiện chỉ còn 4 hộ nghèo", ông Ứng cho biết.
Dẫn tôi đi thăm đường làng, ngõ xóm khang trang sạch sẽ, có hệ thống tiêu thoát nước hoàn chỉnh của thôn, ông Đỗ Văn Ứng, Trưởng thôn Yên Viên, cho biết, số hộ tham gia phát triển nghề truyền thống trong thôn rất đông.
Hằng năm, 100% hộ theo nghề đều tham dự các buổi tuyên truyền và tập huấn về VSATTP do UBND xã và các đoàn thể tổ chức.
Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Ứng cho hay: "Mấy năm trở lại đây nghề SX bún bánh có phát triển nhưng vẫn mang tính tự phát, manh mún, chưa có hiệp hội nào đứng ra đại diện.
Trong thời gian tới, thôn vận động bà con sinh hoạt thường xuyên, thúc đẩy xây dựng hội để tổ chức làm ăn, trao đổi, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.
Thêm nữa, chính quyền thôn luôn nhắc nhở các hộ gia đình phải xác định lấy chữ tín hàng đầu, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường cũng như VSATTP; tạo thương hiệu uy tín trên thị trường, được khách hàng chấp nhận và tin tưởng”.
Hiện tại, các hộ SX ở Yên Viên đều xây hầm biogas để đưa nước thải xuống, rồi tái chế để sinh gas làm chất đốt phục vụ gia đình. Vệ sinh trong đường làng ngõ xóm được thực hiện tương đối tốt.
Cùng với phát triển nghề truyền thống theo hướng an toàn, bền vững, thôn Yên Viên đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm.
Những hoạt động trên đã góp phần vào sự chuyển mình vượt bậc về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn để xã Yên Viên trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Gia Lâm được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM.
Theo: nongnghiep.vn