Chia sẻ với chúng tôi về cách làm “không giống ai” này, ông ông Đỗ Quý Vân – Bí thư Đảng uỷ xã Bản Xen giãi bày: “Người dân ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa hiểu được làm NTM là làm lợi cho chính mình, thì cán bộ xã phải nêu gương trước, thuyết phục bà con bằng chính những hành động cụ thể”.
Ứng trước tiền làm đường
Con đường vào xã Bản Xen được trải bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà mái ngói khang trang, bao quanh bởi những đồi chè trải rộng, xanh mướt. Là một xã vùng thấp của huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, ít ai nghĩ tới vùng đất nghèo này có thể “thay da đổi thịt”, khởi sắc như vậy.
Cán bộ xã những người tham gia đóng góp đầu tiên, rồi cùng vận động người dân tham gia đóng góp ngày công lao động hoặc thay thế bằng tiền. Trong lúc người dân chưa kịp đóng đủ tiền để làm đường giao thông. Chủ tịch xã và Bí thư cùng bàn nhau mang sổ đỏ của nhà mình đến ngân hàng để thế chấp mỗi người 100 triệu đồng để ứng trước tiền làm đường.
“Phải làm ngay, để người dân thấy được cái lợi của việc xây dựng NTM. Đường sá đến tận nhà sạch sẽ, khang trang, ngày mưa, ngày nắng không phải lo nên bà con càng tin tưởng, từ đó tích cực tham gia đóng góp”– ông Vân chia sẻ.
Mất một năm ròng, Bí thư và Chủ tịch xã mới thu lại được số tiền để trả ngân hàng. Nhưng bù lại, qua 4 năm triển khai, người dân cả xã huy động hơn 2 tỷ đồng để làm 22km đường giao thông liên xã, liên thôn. 14 thôn, bản đều có đường giao thông, nhà văn hoá.
Ngày càng ấm cái bụng
Một trong những tiêu chí thực hiện thành công nhất của xã Bản Xen là nâng cao thu nhập của người dân. Vì thế, ngay từ đầu xã Bản Xen đã xác định muốn xây dựng được NTM, trước tiên phải hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng phù hợp với địa phương hướng đến phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Dựa trên điều kiện của địa phương, Bản Xen đã hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh như vùng chè sản xuất theo VietGAP, đưa giống ngô năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi lợn đen.
Bên cạnh đó, xã cũng mạnh dạn chuyển đổi chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, ngoài ra còn các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 16,1 triệu đồng/người/năm...
Gia đình anh Lù A Sài, dân tộc Nùng ở thôn Na Nối là một ví dụ về làm giàu. Cả nhà anh chỉ có 3 lao động, nhưng mỗi năm gia đình anh có thu nhập được 70 – 80 triệu đồng. Có được thành quả đó nhờ anh chịu khó học hỏi kỹ thuật, xây dựng mô hình chăn nuôi hiệu quả. “Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật, cũng như được vay vốn sản xuất, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và tích cực giúp đỡ các hộ khác cùng làm giàu như mình” – anh Sài cho hay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn