Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại HTX Song Kim. (Ảnh: baolaocai.vn)
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai, qua các đợt thăm quan, trao đổi học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác, hiện tại, tỉnh Lào Cai đã có 390 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có bón phân; 889,2 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới, nhà kính.
Trong đó, một số mô hình áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước điển hình đã mang lại hiệu quả cao cho sản xuất của người dân. Tiêu biểu là dự án trồng chuối cấy mô tại xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng) với quy mô trên 200ha.
Mô hình ứng dụng biện pháp tưới lấy nước từ các bể chứa nước trên cao, nước theo đường ống tưới cho từng gốc chuối. Với phương pháp tưới này, vốn đầu tư ban đầu tương đối thấp, dễ vận hành (sử dụng nhân lực tại địa phương); lượng nước không bị thất thoát, hiệu quả cao do lượng nước được tưới tập trung, thời gian tưới chủ động và dễ điều chỉnh tùy theo điều kiện thời tiết. Nhờ biện pháp kỹ thuật này mà mô hình tiết kiệm được nhân lực, hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, mô hình tưới phun sương kết hợp tưới nhỏ giọt tại Hợp tác xã (HTX) Song Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát với quy mô 0,5ha trồng rau tập trung. Mô hình áp dụng đồng thời hai hệ thống tưới nước phun sương và tưới nhỏ giọt chạy song song theo các luống rau trên diện tích trồng.
Cùng với đó, Lào Cai còn có các mô hình tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây dược liệu, cây hoa, rau trong nhà lưới, nhà kính. Mô hình này chủ yếu do các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng với quy mô nhỏ hơn như: HTX Na Lang, HTX rau Dì Thàng tại huyện Bắc Hà đã đầu tư triển khai xây dựng mô hình nhà lưới sản xuất rau sạch, ứng dụng công nghệ cao với quy mô mỗi HTX hơn 1.000m2.
Một số công ty trên địa bàn tỉnh đầu tư trồng rau trong nhà kính, nhà lưới; trồng hoa cao cấp sử dụng công nghệ nhà kính trên phạm vi rộng khoảng 1ha - 4ha. Đồng thời, HTX nông nghiệp Mai Anh và HTX nông nghiệp xanh Sa Pa trồng rau công nghệ cao sử dụng hệ thống nhà lưới kết hợp với tưới nhỏ giọt với quy mô mỗi HTX 5.000m2.
Dù vậy, theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là nhìn chung các dự án, hệ thống công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chưa huy động được nguồn lực theo mục tiêu đề ra. Chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, do đó doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ, vay vốn tín dụng đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển cây trồng cạn quy mô lớn, tập trung.
Song song với đó, việc ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong tỉnh hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp; các hộ gia đình tự đầu tư, rất manh mún, chưa mang tính chất mô hình để áp dụng rộng rãi. Mặt khác, diện tích phù hợp để áp dụng phát triển cây trồng cạn ứng dụng công nghệ cao ít tập trung, phân bổ nhỏ lẻ, khó phát triển thành các khu có diện tích lớn để áp dụng các mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước với quy mô, công suất lớn.
Thời gian tới, Lào Cai định hướng đẩy mạnh hợp tác với các vùng, các địa phương khác ngoài tỉnh, tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng, nhân rộng công nghệ vật liệu, kết cấu mới để thu trữ nước tại chỗ, phân tán gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đồng thời, để tiếp tục triển khai hiệu quả tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh, theo Chi cục Thủy lợi Lào Cai, cần có chính sách thuận lợi tạo quỹ đất cho doanh nghiệp thuê đất (trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể từ khâu sản xuất đến tiêu thụ) hoặc chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân góp đất tham gia sản xuất hàng hóa theo quy hoạch, doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật cho hộ nông dân sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với ứng dụng công nghệ cao trong phát triển cây trồng cạn.
Với việc gắn liền quy hoạch tổng thể vùng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, việc phát triển, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của tỉnh được đánh giá là có nhiều triển vọng tích cực, đặc biệt đối với việc nhân rộng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây chuối mô, cây quýt, cam,…/.
Nguồn: cpv.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn