Văn Bàn là huyện miền núi, địa hình đồi núi phức tạp, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, chịu nhiều tác động của thời tiết, khí hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao… Toàn huyện có 19/22 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm xây dựng NTM của các xã rất thấp.
Năm 2010, qua rà soát đánh giá thực trạng trên địa bàn trước khi triển khai xây dựng NTM, có 12 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí, 10 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đó là những bài toán cần có “phương pháp” giải của cấp ủy, chính quyền Văn Bàn nếu muốn xây dựng NTM thành công.
Sau hơn 8 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện Văn Bàn đã lập được nhiều kỳ tích.
Đứng trước những khó khăn đó, huyện Văn Bàn luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai. Trên cơ sở đó, Văn Bàn đã tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM theo đúng hướng dẫn của tỉnh, lấy việc xây dựng kinh tế hộ gia đình làm hạt nhân, chọn những tiêu chí dễ, tiêu chí ít vốn đầu tư thực hiện trước, tiêu chí khó làm song song. Đồng thời khai thác triệt để nguồn lực xã hội hóa.
Trong 8 năm triển khai xây dựng NTM, Văn Bàn đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, điều hành từ cấp huyện đến cấp xã, thôn bản. Ban Chỉ đạo NTM của huyện và Ban Quản lý NTM các xã sớm được thành lập, bắt tay vào chỉ đạo thực hiện từ công tác tuyên truyền vận động đến xây dựng lộ trình thực hiện NTM giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020.
Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Văn Bàn đang từng ngày khởi sắc.
Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã tổ chức họp thường kỳ, xây dựng chương trình, kế hoạch làm NTM hàng tháng, quý và chỉ đạo các đơn vị phụ trách các tiêu chí, phòng ban chuyên môn, Ban Chỉ đạo các xã tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đã đặt ra.
Chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện bám sát cơ sở, thường xuyên xuống địa bàn phụ trách nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kịp thời tháo gỡ cơ sở. Trong đó, tập trung trọng tâm vào các xã đăng ký phấn đấu hoàn thành NTM hằng năm.
Một số xã vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập.
Cụ thể: Giai đoạn 2011 – 2015, UBND huyện Văn Bàn đã ban hành 260 văn bản các loại trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung, như: Công tác tuyên truyền; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nhân dân; phát triển giao thông nông thôn; phát triển hệ thống giáo dục; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn và an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn.
Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Văn Bàn đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông; thu gom, xử lý rác thải, chất thải của tỉnh, Trung ương; chính sách hỗ trợ lãi vay tín dụng phục vụ phát triển sản xuất.
Băng rôn, khẩu hiệu là một trong những hình thức tuyên truyền xây dựng NTM ở huyện Văn Bàn.
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình 135, Tín dụng ưu đãi, Nghị quyết 37, Quyết định 293); huy động tối đa nguồn lực của địa phương như: Đóng góp ủng hộ vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị của các đơn vị giúp đỡ, công lao động của cán bộ công chức các cấp.
Chia sẻ về những kỳ tích mà huyện Văn Bàn đạt được trong thời gian qua, ông Lê Quang Đồng – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Bàn, cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, tính đến tháng 8 năm 2019, huyện Văn Bàn có 8/22 xã đạt chuẩn NTM, tăng 8 xã so với năm 2010, tăng 6 xã so với năm 2015.
Các xã đạt chuẩn NTM của huyện Văn Bàn gồm: Văn Sơn về đích năm 2014; Hòa Mặc năm 2015; Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung nă 2016; Võ Lao, Khánh Yên Hạ năm 2017; Tân An, Làng Giàng năm 2018. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 12,73 tiêu chí, toàn huyện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bên cạnh đó, huyện Văn Bàn đã công nhận 32 thôn đạt chuẩn NTM tại các xã: Hòa Mặc, Văn Sơn, Tân An, Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân Văn Bàn ngày càng được nâng cao.
Ông Đồng phấn khởi cho biết thêm: Sau nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện, diện mạo nông thôn đã thay đổi một cách rõ rệt, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 4,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/người/năm.
“Nhờ có Chương trình NTM, bản Na Mèo của tôi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng đường bê tông từ trung tâm huyện đến tận bản; kênh mương được đầu tư dẫn nước về tưới tiêu cho đồng ruộng của bà con trong bản; nhiều hộ dân được hỗ trợ giống gà, lợn… để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà nhiều hộ đã thoát nghèo.
Trong thời gian tới, tôi cùng với bà con trong bản sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau phát triển sản xuất; đưa con cái đến trường học tập đầy đủ; động viên, giúp đỡ những hộ nghèo còn khó khăn vươn lên phát triển kinh tế” – anh Phùng Văn Hoa, bản Na Mèo (xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn) bảo vậy.
Theo Tuệ Linh/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn