Ông Nguyễn Xuân Giáp quê ở Cát Quế (Chương Mỹ - Hà Nội) đã lên Tuyên Quang lập nghẩp được gần nửa thế kỉ. Sau bao năm lang bạt, tìm đủ mọi nghề để sống, ông đã quyết định đưa cây bưởi đường và bưởi Diễn ở quê mình lên thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) trồng.
Bưởi bọc túi nilong sẽ để được lâu hơn.
Sau bao năm chăm bẵm, vườn bưởi đã dần cho thu nhập. Nhà ông có cơ ngơi khang trang cũng nhờ cây bưởi mà ra. Vốn là một nông dân yêu cây, yêu đất, ông cũng luôn ấp ủ làm sao để nâng được giá trị của sản phẩm. Bưởi vào vụ thu hoạch tháng 10 và tháng 11 nhiều vô kể. Khi đó nhà nào cũng phải bán tống, bán tháo. Mọi người cùng bán ồ ạt đã đẩy giá sản phẩm xuống đến mức không thể thấp hơn. Bưởi Diễn có lúc chỉ còn 7.000-10.000đ, các loại bưởi khác còn thảm hơn.
Việc bảo quản quả bưởi trong thời gian 4-5 tháng sẽ giúp nhiều hộ nông dân nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài trồng bưởi Diễn, ông Giáp còn trồng bưởi đường Cát Quế, bưởi Sỉu... Các giống bưởi này thu hoạch cũng rất gần nhau. "Thấy bà con bán, mình cũng phải bán. Ai chẳng lo, của hàng hoa, bữa trước là tiền, để lâu, không bán được thành rác", ông Giáp chia sẻ.
Đây cũng là lý do khiến ông Giáp phải tìm đủ mọi cách để bảo quản sản phẩm. Bưởi trồng ở đất bãi Xuân Vân ăn rất ngon. Nhiều đêm ông Giáp trằn trọc, điều quan trọng nhất là làm cách nào, quả bưởi không phải bán dồn bán rốn. Ngày trước các cụ có cách làm là khi hái bưởi xuống bôi vôi vào cuống. Sau đó để bưởi nơi khô ráo. Cách này cũng rất ổn, nhưng bưởi cũng chỉ để được đôi tháng bị héo quắt.
Nhờ được bảo quản tự nhiên, múi bưởi và tôm vẫn còn đảm bảo chất lượng.
Sau nhiều lần tìm đủ mọi cách, ông Giáp cũng rút dần được kinh nghiệm. Ông đã mua túi nilong bọc bưởi. Cách này khắc phục được tình trạng, hơi nước trong quả bưởi bốc hơi. Ông Giáp cho rằng, nếu quả bưởi được giữ trong độ ẩm vừa phải, bưởi sẽ không bị hỏng mà vỏ vẫn tươi như khi hái xuống.
Một số lưu ý khi muốn giữ bưởi được lâu, bưởi hái xuống, vận chuyển nhẹ tay, quả không bị dập nát, trầy xước. Sau đó 1 tuần, lấy túi nilong buộc từng quả một để nơi khô ráo. Bưởi để 1 hàng, không nên chồng bưởi lên nhau. 10-15 ngày phải kiểm tra bưởi 1 lần, quả nào hỏng phải nhặt bỏ đi, tránh lây sang quả khác.
Mặc áo nilong cho bưởi.
Ông Giáp dẫn tôi vào gian buồng đang để cả nghìn quả bưởi Diễn và bưởi Sỉu. Mỗi quả bưởi được bọc 1 túi nilong. Khi mở túi ra, vỏ quả bưởi vẫn cứng, không bị khô héo, mặc dù ông đã hái bưởi từ tháng 10.2017. Như vậy, bưởi đã được bảo quản trong 6 tháng. Ông nhanh tay bổ bưởi mời khách.
Quả bưởi để 6 tháng mà vỏ không hề hấn gì, chất lượng ăn rất ngon. "Nếu để bưởi quá lâu, múi bưởi có mềm hơn đôi chút so với thời gian đầu. Nhưng bù lại, mình sẽ giãn được thời vụ tiêu thụ. Làm cách này, mình sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn", ông Giáp cho biết.
Các lão nông đã ngày càng sáng tạo, tìm cách nâng cao sản phẩm của mình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nông dân ở Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội.... cũng đã có cách bảo quản bưởi được 4-5 tháng mà không cần dùng thuốc. Bảo quản bưởi theo cách của ông Giáp sẽ mất nhiều công và thêm chi phí, nhưng bù lại, bà con nông dân sẽ giãn được thời gian bán quả, tránh việc bị tư thương ép giá.
Theo: Thuần Việt/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn