Hội nghị Lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt diễn ra vào ngày 2/7 tại Phú Thọ. |
Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế (Cục Trồng trọt) cho biết, so với Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, Luật Trồng trọt có nhiều nội dung đổi mới. Đặc biệt là chính sách quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính và chi phí cho DN nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho SX và người sử dụng, tạo công bằng trong kinh doanh.
Luật cũng tạo hành lang pháp lý để từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc cấp phép (tiền kiểm) sang hậu kiểm đối với hoạt động có thể hậu kiểm thuận lợi; xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận phù hợp với các luật hiện hành và tạo lập được dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Luật Trồng trọt đã bỏ quy định ban hành danh mục giống cây trồng, thay thế bằng hình thức đăng tải các quyết định công nhận lưu hành (đối với giống cây trồng chính) và Bản công bố lưu hành của chủ sở hữu (đối với giống cây trồng không phải là cây trồng chính) trên cổng thông tin điện tử của Bộ NN-PTNT và cơ quan quản lý về chuyên ngành.
Hội nghị lần này tập trung lấy ý kiến để xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt. Đặc biệt là các quy định về giống cây trồng (bảo tồn nguồn gen và danh mục nguồn gen cấm xuất khẩu; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống; ghi nhãn giống cây trồng; nhập khẩu giống...) và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên lúa.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT cũng lấy ý kiến về việc bổ sung thêm 3 loài cây trồng vào danh mục cây trồng chính là: cà phê, cam, bưởi. Ông Cường cho biết, hiện nay 3 loài cây trồng này có rất nhiều cơ sở nghiên cứu, SX, kinh doanh. Trên thị trường đã xuất hiện tình trạng bán giống kém chất lượng, dẫn đến một số vùng phát sinh dịch bệnh. Bởi vậy phải đưa vào danh mục cây trồng chính để quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây cà phê, cam, bưởi.
Bên cạnh đó, dựa trên các ý kiến góp ý, Cục Trồng trọt cũng đã xây dựng dự thảo thông tư quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt bao gồm 6 chương, 21 điều. Trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia bao hàm các nội dung về giống cây trồng, phân bón, SX trồng trọt, đất trồng trọt, chế biến và thị trường sản phẩm trồng trọt.
Bộ NN-PTNT đang lấy ý kiến về việc bổ sung thêm 3 loài cây trồng (cà phê, cam, bưởi) vào danh mục loài cây trồng chính. |
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh Sơn La, cho rằng, dự thảo Nghị định chưa thể hiện rõ quy mô SX và quy mô kinh doanh giống cây trồng. Ở Sơn La, có những ngày trên địa bàn tiêu thụ khoảng chục ngàn cây giống, tương đương 4 – 5 xe đầu kéo lớn. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra, xử phạt thì các cơ sở chống chế rằng, đó là giống để phục vụ SX quy mô gia đình, không kinh doanh, lực lượng chức năng rất khó xử lý.
Còn ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh Hòa Bình, nhận định: Việc ban hành danh mục loài cây trồng chính để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chất lượng cây giống. Bộ NN-PTNT cần xem xét đưa thêm một số loại cây khác như hồ tiêu, mía, thanh long vào danh mục. Bởi đây là các loài cây có diện tích lớn, có khả năng tạo ra ngành hàng với giá trị cao.
Theo: Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn