"Cú huých" cho nông nghiệp, nông thôn
Phát biểu tại hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 14/NQ - CP” được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Mục tiêu của chương trình nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN tiên phong trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời rút ra những kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện các chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc triển khai chương trình cho vay thí điểm đã bước đầu giúp hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Chương trình cho vay thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực |
Căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, liên Bộ (NHNN, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN) đã lựa chọn 28 DN trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố được tham gia chương trình. Đây là 28 DN tiêu biểu đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp tại 5 khu vực trên toàn quốc.
8 NHTM tham gia chương trình đã cam kết tài trợ tín dụng cho các DN với số tiền hơn 5.627 tỷ đồng. Trong đó số tiền cam kết cho vay đối với 13 dự án liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu là 4.323,8 tỷ đồng; 15 dự án liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp là 1.224,34 tỷ đồng; 03 dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là 80 tỷ đồng.
Đến nay, có 22/28 DN đã vay vốn ngân hàng để triển khai 22/31 dự án với tổng số tiền giải ngân là 6.937,24 tỷ đồng. Trong đó, NHTM giải ngân cho 10 dự án chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đạt số tiền 5.609,53 tỷ đồng, chiếm 80,86% tổng số tiền giải ngân theo chương trình.
Các NHTM đã giải ngân cho 11 dự án liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp với số tiền 1.230,41 tỷ đồng (chiếm 17,74%). Và 01 dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được giải ngân với số tiền 97,3 tỷ đồng, chiếm 1,4%. Dư nợ cho vay chương trình đến 29/2/2016 đạt 1.027,68 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện NHTM áp dụng là 6,5%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn, ở mức 5,4 - 6,3%/năm, thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay chung.
Có thể nói, sau gần 2 năm triển khai, chương trình cho vay thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Hiệu quả từ những dự án thí điểm
Là một trong những dự án đạt nhiều thành công tham gia dự án, Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (An Giang) khẳng định, đây là chính sách hết sức cụ thể, thiết thực tạo điều kiện rất quan trọng trong việc xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Chương trình đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người nông dân nuôi cá và DN chế biến; chia sẻ hài hòa lợi ích cũng như rủi ro, giúp cho sản phẩm cá tra - một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam có điều kiện phát triển ổn định bền vững và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, chính sách cho vay này đã giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất cho người nông dân và DN trong việc đầu tư nuôi cá. Công ty Thuận An là một trong 4 DN tỉnh An Giang được NHNN phê chuẩn thực hiện thí điểm chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, chuỗi liên kết đã thu hoạch 18.600 tấn cá tương đương 393 tỷ đồng; Đã hoàn vốn cho Agribank 245 tỷ đồng, dư nợ hiện nay còn 251 tỷ đồng trên diện tích thả nuôi 49ha/72ha dự án.
Từ những hiệu quả trên, công ty mong muốn NHNN tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất cá tra Tafishco, tạo điều kiện cho các hộ nông dân có thời gian đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng cá tra được ổn định và bền vững.
Theo UBND tỉnh An Giang, tỉnh có 4 DN tham gia chương trình với tổng mức đầu tư là 451,79 tỷ đồng, ngân hàng cam kết cho vay 350,78 tỷ đồng, hiện các ngân hàng giải ngân là 325,11 tỷ đồng. Lãnh đạo UBND cho biết các dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (lúa nếp, cá và rau màu) trên địa bàn tỉnh đã giải quyết được những khó khăn tồn tại nhiều năm qua. Nông dân đã tiếp cận vốn vay ưu đãi để sản xuất, DN có vốn đầu tư công nghệ, ngân hàng tăng trưởng tín dụng bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, đây là một chính sách rất có hiệu quả, giúp cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. NHNN và Bộ NN&PTNT đã phối hợp tốt để thực hiện triển khai thành công chương trình thí điểm. Thứ trưởng cũng mong muốn thời gian tới các bộ, ngành cùng chung tay phối hợp để tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nông dân và người sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Lấy hiệu quả làm đầu Những kết quả mà chương trình cho vay thí điểm đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì nếu sản phẩm nông nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Thời gian qua, NHNN phối hợp với Bộ NN&PTNT và nhiều cơ quan khác khảo sát thực tế các địa phương, tìm được cách làm là vấn đề hết sức quan trọng. Trong mỗi khâu sản xuất nông nghiệp, cần có sự liên kết giữa nông dân và DN. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách cho phù hợp với kinh tế thị trường. Cơ chế chính sách phải có tính ổn định, định hướng và tuổi thọ bền vững… |
Hiếu Minh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn