Cây mãng cầu xiêm có lợi thế là có thể phát triển tốt trên những vùng đất phèn, mặn nên mãng cầu xiêm được bà con nông dân ở các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và TX Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) lựa chọn để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Sản phẩm trà mãng cầu xiêm của HTX Yên Bình An được giới thiệu tại hội thảo |
Tỉnh cũng đã giao cho ngành chuyên môn thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang”. Với mục tiêu hướng đến là kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc trái, giúp nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá, giới thiệu sản phẩm mãng cầu ra thị trường.
Từ loại trái cây chỉ dùng để ăn tươi, hiện trái mãng cầu xiêm đã được một số Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đầu tư, chế biến ra nhiều sản phẩm, được thị trường ưu chuộng, như trà mãng cầu xiêm, trà túi lọc mãng cầu xiêm, mứt mãng cầu…
Theo các xã viên HTX Yên Bình An (xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), cây mãng cầu xiêm cho giá trị kinh tế khá cao. Cây trồng từ hai năm tuổi sẽ cho thu hoạch từ 50-70 kg trái/cây, những cây được 5-10 năm tuổi có thể đạt từ 100-150kg/cây/năm. Với giá bán từ 9.000-30.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm), 1ha mãng cầu xiêm có thể cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Trong nội dung phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang”, dự án thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu trực tiếp cho 2 đơn vị thụ hưởng là 2 HTX trồng mãng cầu trong tỉnh, thiết kế tem dán, nhãn dán trên bao bì, bảng quảng cáo…Với nhãn hiệu tập thể này, xã viên trồng mãng cầu thì yên tâm hơn vì sản phẩm đã được bảo hộ, được quảng bá rộng rãi, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Còn người tiêu dùng thì an tâm hơn bởi biết được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm. |
Nếu trước kia, mãng cầu chỉ được bán đơn thuần bằng cách xuất tươi nguyên trái thì đến nay đã chế biến chuyên sâu thành nhiều mặt hàng có giá trị. Đồng thời, với việc được công nhận nhãn hiệu tập thể, giúp cho HTX và nhà vườn trồng mãng cầu mạnh dạn đầu tư trồng, cũng như chế biến, quảng bá và cung ứng nhiều sản phẩm trà ra thị trường.
Tương tự, con cá thát lát cũng được người dân Hậu Giang thả nuôi và đầu tư chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị, trở thành mặt hàng đặc sản nổi tiếng của tỉnh.
Bà Nguyễn Kim Thùy, chủ cơ sở sản xuất cá thác lác Kỳ Như (xã Thạnh Hòa, Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: “Trước đây tôi kinh doanh một quán ăn nhỏ và nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cá thát lát ở người tiêu dùng là rất lớn. Nhưng họ ngán ngại nhất là cá thát lát rất nhiều xương. Từ đó, tôi đã mày mò nghiên cứu làm sao lại bỏ xương mà cá vẫn còn nguyên vẹn, cuối cùng tôi đã thành công và cho ra đời sản phẩm gọi là cá thác lác rút xương tẩm gia vị để phục vụ khách hàng”.
Hiện mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 600 kg cá nguyên liệu tươi để chế biến cá thác lác thương phẩm, cung ứng cho một số siêu thị như: Lotte TP.HCM, siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc, Metro Cần Thơ và bán đi các thành phố: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội… với sản phẩm đóng gói từ 200 - 500g.
Để chủ động nguồn cá nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, cơ sở Kỳ Như đầu tư một ao nuôi diện tích 1.000 m2, ngoài ra còn thu mua cá của các hộ lân cận nhưng chỉ hợp đồng với hộ nuôi đúng theo quy trình sạch an toàn, với giá cao nhất của thị trường.
Theo bà Thùy, với cách làm bài bản, căn cơ này cơ sở không chỉ giúp nông dân nuôi cá thát lát yên tâm về đầu ra, giá cả ổn định, mà còn tạo việc làm cho trên 40 lao động có việc làm thường xuyên, mỗi công nhân được trả lương từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở mong muốn được hỗ trợ vốn để mở rộng cơ sở nhằm đầu tư mua thêm máy móc, trang thiết bị, tuyển thêm nhiều lao động, có thể nhận thêm nhiều đơn hàng lớn trong và ngoài nước.
Theo: Đ.T Chánh - Hữu Đức/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn