Giúp nhau làm giàu
Ở xã Liên Sơn (Lương Sơn), Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa được thành lập vào năm 2014. Hiện, tổ có 16 thành viên. Ông Nguyễn Văn Sinh – Tổ trưởng cho biết: “Các thành viên trong tổ đều là những hộ mới nuôi bò sữa nên còn nhiều lúng túng. Khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên đã cùng nhau trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi và thị trường tiêu thụ. Hiện, tổ hợp tác đã liên hệ và ký kết với Công ty CP Sữa Quốc Tế bao tiêu toàn bộ sữa cho các thành viên”.
Anh Nguyễn Văn Tám là người tiên phong nuôi bò sữa, cũng là hộ nuôi số lượng lớn nhất ở địa phương. Anh cho biết, với 8 con bò sữa, mỗi tháng anh lãi hơn 15 triệu đồng. Anh Tám chia sẻ: “Để nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao, ngoài lựa chọn con giống tốt thì chế độ chăm sóc hợp lý, tiêm phòng dịch bệnh cũng quan trọng không kém. Đơn cử như việc vắt sữa bò phải đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”. Đó là đúng giờ, đúng người, đúng địa điểm và đúng kỹ thuật”. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Tám đã nhiệt tình trao đổi, chia sẻ với thành viên trong tổ để cùng giúp nhau làm giàu.
Anh Nguyễn Văn Tám là hộ có quy mô nuôi bò lớn nhất trong tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Liên Sơn.Ảnh: Thu Hà
Hỗ trợ nhau trong sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế, mô hình tổ hợp tác đã mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho nông dân. Năm 2015, Tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Liên Sơn đã được UBND tỉnh Hòa Bình tặng cờ thi đua vì đã có nhiều thành tích trong xây xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Không chỉ các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Liên Sơn, các hộ chăn nuôi lợn, gà hay trồng trọt, nuôi trồng thủy sản ở một số xã khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng cùng nhau thành lập tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ (CLB) hay nhóm sở thích.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Hòa Bình cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có 247 tổ hợp tác và nhóm nông dân cùng sở thích, 18 hợp tác xã do các cấp Hội ND chủ trì thành lập. Mỗi mô hình kinh tế hợp tác đều có từ 10 - 15 thành viên tham gia”.
Vai trò cầu nối
Không chỉ làm tốt vai trò vận động, tuyên truyền hội viên, ND thay đổi tư duy canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, các cấp Hội ND tỉnh Hòa Bình còn tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho các tổ hợp tác, CLB sản xuất, nhóm sở thích.
Hàng năm, Hội ND các cấp đều tạo điều kiện cho các THT, CLB sản xuất tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng mô hình, mở rộng sản xuất. Đồng thời, Hội còn là “cầu nối” giữa các HTX, tổ hợp tác với các doanh nghiệp uy tín thực hiện việc liên kết cung ứng đầu vào (giống, phân bón, máy nông nghiệp…) và bao tiêu sản phẩm. Hội cũng phối hợp hiệu quả với các sở, ngành hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn pháp luật, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa… cho các mô hình kinh tế hợp tác này.
“Việc liên kết trong sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể là một xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay nhiều hộ ND đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ tham gia các mô hình liên kết sản xuất. Hiện, toàn tỉnh Hòa Bình có 34.300 hộ được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”, bà Phương khẳng định.
Theo: Thu Hà/Trang Trại Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn