“Chúng tôi đang nỗ lực, tạo cú huých mới để sớm đạt NTM kiểu mẫu”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) Phạm Văn Sơn cho biết. Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng 19 tiêu chí, xã Nghĩa Sơn phải xây dựng vườn mẫu và khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu.
Đây được xem là rào cản lớn đối với xã Nghĩa Sơn, địa phương có hơn 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, ngoài lợi thế về đất đai, việc xây dựng vườn mẫu, KDC kiểu mẫu phải đảm bảo một số tiêu chuẩn về diện tích, thiết kế, cách bố trí và tổ chức sản xuất theo hướng vừa hiệu quả, vừa đảm bảo mỹ quan.
“Vì không có điều kiện, nên bà con cũng không bố trí, sắp xếp cảnh quan trong nhà, ngoài vườn. Do đó, việc xây dựng vườn mẫu, KDC kiểu mẫu chắc chắn sẽ mất thời gian, kinh phí cải tạo”, ông Sơn bày tỏ.
Xác định khó khăn, nên dù Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh chưa ban hành và hướng dẫn các tiêu chí về vườn mẫu, KDC kiểu mẫu, nhưng hiện nay chính quyền xã Nghĩa Sơn đã “đi trước một bước”.
Đó là vận động, tuyên truyền người dân thay đổi thói quen, nếp nghĩ trong cách làm; mạnh dạn vay vốn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để hình thành những khu vực sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường; trồng các loại cây, cải tạo cảnh quan quanh nhà...
Xây dựng vườn mẫu là một trong những tiêu chuẩn của NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt, để việc phát triển chăn nuôi, nhất là đàn bò lai không ảnh hưởng đến quá trình xây dựng vườn mẫu, KDC kiểu mẫu, xã Nghĩa Sơn cũng xây dựng và chuyển giao các mô hình trồng cỏ, thu gom và tái chế chất thải chăn nuôi. Cách làm này đã giúp Nghĩa Sơn gìn giữ môi trường, đường sá luôn sạch đẹp.
Trong khi đó, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cũng là địa phương có nhiều lợi thế trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, với điểm nhấn là du lịch-dịch vụ. Bên cạnh kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản hoàn thiện, Tịnh Khê cũng xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từng bước hình thành. Đời sống người dân ngày càng nâng cao...
Song, để hoàn thành các tiêu chí của vườn mẫu, KDC kiểu mẫu, xã Tịnh Khê cũng loay hoay tìm nguồn lực. Bởi, các nguồn lực đã được huy động để tập trung xây dựng và hoàn thành NTM giai đoạn 2010-2015. Trong khi hiện nay, ngân sách các cấp hầu như rất ít hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn NTM. Vì vậy, việc xây dựng NTM kiểu mẫu cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn đối với Tịnh Khê.
Nhất là khi, NTM kiểu mẫu phải thay đổi từ phương thức tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa, khai thác phát huy tối đa tiềm năng đất vườn. Vì vậy, thành bại của NTM kiểu mẫu phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực và cách làm của chính quyền, người dân.
Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo cho rằng, bên cạnh nguồn lực thì một trong những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng vườn mẫu, KDC kiểu mẫu là tái tạo lại những “hàng rào xanh”. Bởi, sau thời gian thực hiện phong trào bê tông đường làng ngõ xóm, những “hàng rào xanh” là các loại cây ăn quả, cây thực phẩm, cây cảnh quan... đã được thay bằng kẽm gai.
“Trong khi đó, “hàng rào xanh” là một trong những tiêu chuẩn trọng tâm của vườn mẫu, KDC kiểu mẫu, vì nó không chỉ mang lại thu nhập cho nông dân, mà còn tạo môi trường thông thoáng, cảnh quan sạch đẹp”, ông Thảo cho biết.
Tuy nhiên, dù Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình NTM đã phát động, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã tổ chức triển khai thực hiện, nhưng Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh vẫn chưa hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của việc xây dựng NTM kiểu mẫu, nhất là vườn mẫu và KDC kiểu mẫu. Trong khi đó, để tiếp tục tạo cú huých cho phong trào NTM, một số địa phương đã cử cán bộ, nhân dân đi tham quan, học hỏi các mô hình vườn mẫu, KDC kiểu mẫu, nhưng vì... chưa có hướng dẫn, nên cũng chưa có cơ hội vận dụng vào thực tế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn