Theo Quyết định số 7768/QĐ-BCT, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Long An được giao nhiệm vụ triển khai 6 đề án khuyến công quốc gia đợt 1 năm 2013 với tổng kinh phí hỗ trợ 865 triệu đồng, bao gồm: 1 đề án hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn; 2 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; 1 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời; 1 đề án hỗ trợ thành lập DN công nghiệp nông thôn và 1 đề án tổ chức hội nghị khuyến công vùng. Ngoài ra, trung tâm cũng có nhiệm vụ phối hợp triển khai 11 đề án khuyến công địa phương đợt 1/2013 với tổng kinh phí 783,360 triệu đồng. Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Long An cho biết, tỉnh có chủ trương ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho lực lượng DN công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển. Những năm qua, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đề án và nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến công Long An. Đơn cử như năm 2012, hai nội dung này chiếm tới 10 trong tổng số 23 đề án khuyến công của tỉnh. Các đề án sau khi hoàn thành đã mang lại sự thay đổi tích cực về năng suất, chất lượng sản phẩm cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Tiêu biểu, sau khi đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền xử lý, phân loại, đóng gói chanh hoàn thành đã giúp cơ sở sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Chiến (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) rút ngắn đáng kể thời gian sản xuất. Nếu như trước kia xử lý bằng phương pháp thủ công với sản lượng 20 tấn/ngày cùng 20 lao động cơ sở của anh phải mất 14 ngày mới hoàn thành thì nay chỉ mất 7 ngày. Không những vậy, sản phẩm lại tươi, ngon hơn, loại bỏ được nấm mốc, vi khuẩn và thời gian bảo quản cũng lâu hơn. Hay với sự góp sức từ công tác khuyến công, cơ sở máy cắt lúa Hai Đồng (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) đã có đủ nguồn kinh phí đầu tư máy tôi (trui) điện cao tần 60KVA để trui lưỡi cắt lúa nhằm khép kín quy trình sản xuất máy cắt lúa xếp dãy với năng suất 10 máy/tháng. Anh Phạm Thành Đồng, chủ cơ sở máy cắt lúa Hai Đồng khẳng định, sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công rất kịp thời đã tạo cơ hội cho cơ sở hoàn thiện sản phẩm. Sắp tới cơ sở sẽ mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc và nước bạn Campuchia. Tương tự, mô hình trình diễn kỹ thuật máy thu hoạch đay do cơ sở sản xuất cơ khí nông nghiệp Chín Nghĩa (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) và TTKC triển khai, sau khi hoàn thành đã giúp những người nông dân giảm công lao động, tăng chất lượng đay nguyên liệu và nâng cao hiệu quả cho người trồng đay... Lãnh đạo TTKC tỉnh Long An cho rằng, mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ không cao nhưng nhìn chung các đề án xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần khuyến khích các DN, cơ sở mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, tạo không ít việc làm cho lao động nông thôn. Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung hoàn thành các kế hoạch nhằm đảm bảo tiến độ, mục tiêu của công tác khuyến công, Trung tâm tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho các đề án xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp nông thôn. Đặc biệt, sẽ ưu tiên hỗ trợ cho đề án tại các địa phương có công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn./. Bùi Việt Theo ven.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn