Mô hình được thực hiện tại xã Tân Đức, huyện Phú Bình, Thái Nguyên.
Nỗ lực trong nhiều vụ liên tiếp, huyện Phú Bình đã hình thành được cánh đồng SX lúa tập trung, đúng nghĩa thẳng cánh cò bay với diện tích xấp xỉ 50ha. Đây cũng là tiền đề để tỉnh Thái Nguyên tiến tới xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao.
SX lúa hữu cơ thay đổi nhận thức của nông dân, đảm bảo môi trường sinh thái |
Từ thực tiễn đó, trên cơ sở hợp tác ký kết giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Quế Lâm, Cty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, UBND xã Tân Đức (huyện Phú Bình) triển khai mô hình SX lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 44ha cho 330 hộ dân tham gia thực hiện.
Bà con tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện và có trách nhiệm tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, khuyến cáo. Tập đoàn Quế Lâm cho người tham gia mô hình chậm trả phân bón 180 ngày, cam kết thu mua sản phẩm cao hơn thị trường. Giống lúa duy nhất được đưa vào SX là GS9 của Cty CP Đại Thành.
Ông Lê Xuân Bảy (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Bình) cho biết, cùng với cánh đồng rộng dài, tập trung thì Tân Đức được lựa chọn còn bởi khả năng cao trong thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào SX của nông dân.
Bà Dương Thị Mùi (xóm Ngoài, xã Tân Đức) cho biết: "Từ thực tiễn SX thử trong vụ mùa năm ngoái, nghe tuyên truyền thì dân chúng tôi đều hiểu về những nguy hại của tập quán canh tác hiện nay. Nhưng khi thấy cán bộ tập huấn hướng dẫn kỹ thuật làm mới thì nhiều người rất ngại chuyển từ phương thức canh tác cũ sang nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ. Chính sự nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, sự năng nổ của doanh nghiệp và trách nhiệm của các tổ trưởng cũng như chính quyền địa phương nên mô hình đã được triển khai theo đúng chương trình".
Bà Đào Duy Tế (xóm Quại, xã Tân Đức) nhận xét, bà con thực hiện nghiêm túc cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên, chăm sóc lúa theo quy trình do các tổ kỹ thuật giám sát. Trong quá trình SX, GS9 thể hiện là giống có khả năng chống chịu ngoại cảnh, chống sâu và bệnh hại rất tốt.
Ảnh: Đ.V.T |
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, GS9 là giống có khả năng đẻ nhánh khỏe, tập trung, tuy chỉ cấy 1 dảnh/khóm nhưng số dảnh hữu hiệu đạt tới 8,8 dảnh/khóm. Giống có thời gian sinh trưởng trung bình. Trong vụ xuân từ 120 - 125 ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí cơ cấu mùa vụ cây trồng trong năm. Đặc biệt là đối với địa phương, xã Tân Đức đang thực hiện mạnh mẽ quá trình dồn điền đổi thửa để tiến tới SX nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn.
Bà Dương Thị Hà (xóm Ngoài, xã Tân Đức) cho biết, SX lúa hữu cơ bằng cách sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, không sử dụng thuốc trừ cỏ nên môi trường sinh thái nông nghiệp được bảo vệ, phục hồi. Trên cánh đồng Tân Đức giờ đã thấy xuất hiện trở lại các loài cá tôm. Từ quá trình canh tác đó, khi thu hoạch, thấy hạt thóc GS9 vàng, mẩy, người dân đặc biệt yên tâm để sử dụng sản phẩm an toàn do chính mình tạo nên.
Đánh giá hiệu quả kinh tế, GS9 có năng suất đạt 220kg/sào. Cho thu lãi 646.000 đồng/sào, tương đương với 17,9 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Bốn (PGĐ Cty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc) cho biết, phía doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả hợp tác và sẽ tiếp tục duy trì mô hình trong những vụ tiếp theo.
Ông Dương Sơn Hà (GĐ Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên) chia sẻ, thành công của mô hình là cơ sở để ngành nông nghiệp Thái Nguyên tiếp tục mạnh dạn thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất 5.000ha chè ở các địa phương Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, TP Thái Nguyên và TX Phổ Yên; 500ha rau ở huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, TP Sông Công, TP Thái Nguyên và TX Phổ Yên và 250ha lúa ở Phú Bình theo hướng hữu cơ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn