Về thôn Cứu Sơn, xã Đông Cứu (Gia Bình), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay đến diệu kỳ, hệ thống đường giao thông thôn xóm được bê tông hóa, những ngôi nhà mái bằng cao tầng mọc lên san sát, xe ô tô, xe máy ra vào chở hàng tấp lập, cuộc sống của người dân nơi đây khá hơn rất nhiều. Đó là thành quả từ việc thay đổi tư duy, cách làm trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).
Cứu Sơn là địa phương thuần nông, có 723 hộ và hơn 2.083 nhân khẩu, trong đó 19 hộ giáo dân và 98 nhân danh. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Cấp ủy, chi bộ tập trung lãnh đạo nhân dân trong thôn tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng mạnh vào sản xuất hàng hoá, với diện tích đất canh tác 268 mẫu, thôn đưa cây lúa lai, lúa hàng hoá vào gieo cấy, mở rộng diện tích cây màu vụ đông theo mô hình sản xuất tập trung, đưa hệ số quay vòng đất đạt 2,6 lần, giá trị 1ha canh tác đạt trên 100 triệu đồng. Diện tích chuyên mầu với 5 ha đã xây dựng thành vùng sản xuất chuyên canh cây màu một năm trồng 3-4 vụ với các cây màu có giá trị kinh tế cao như khoai tây, bí xanh, ngô lai... đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình.
Những năm gần đây, Cứu Sơn phát triển mạnh nghề may công nghiệp, kinh doanh dịch vụ với 320 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng trở thành thế mạnh của địa phương; trong đó có những hộ đồng bào công giáo có thu nhập tới vài trăm triệu đồng/năm từ kinh tế VAC, chăn nuôi tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Đăng Búp, Nguyễn Đăng Đức...
Nhờ sự năng động sáng tạo của người dân đã tạo đà để thôn Cứu Sơn phát triển nhanh chóng. Đến nay, hệ thống giao thông được bê tông hóa, các công trình nhà văn hoá, công trình tín ngưỡng được xây dựng khang trang, bề thế, 100% hộ gia đình có nhà kiên cố, số hộ khá, giàu chiếm trên 70%, số hộ nghèo giảm còn 2,3%.
Thực hiện lời răn của Giáo hội Công giáo “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, bà con giáo dân ở đây luôn sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện nghiêm các nội dung qui ước Làng văn hoá và tích cực tham gia CVĐ “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Các gia đình giáo dân luôn chăm lo giáo dục con cháu trong việc học hành, thực hiện tốt các chính sách dân số- KHHGĐ, công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia vào các tổ tự quản bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thượng - Trùm trưởng họ đạo Cứu Sơn cho biết thêm: “Họ đạo thường xuyên động viên giáo dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dăn, dạy con em tránh xa các tệ nạn xã hội, tích cực thi đua lao động sản xuất làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới, do vậy trong nhiều năm qua trong họ đạo không có người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, nhiều hộ đã trở thành tấm gương điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương”.
Ông Nguyễn Tiến Tha, trưởng Ban công tác Mặt trận thôn cho biết: “phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá đã trở thành ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, các hộ gia đình đều tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia, lễ hội. Các đám cưới, đám tang đều được tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với phong tục, tập quán quy ước thôn làng, không kể người lương giáo hay công giáo khi có người thân qua đời Ban công tác Mặt trận thôn cùng với gia đình thành lập ban tang lễ đứng ra lo liệu chu tất, bảo đảm thuần phong mỹ tục của địa phương”.
Nhân dân trong thôn cũng tích cực tham gia vào các CLB văn hoá, văn nghệ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Đến nay, thôn thành lập được 4 loại hình CLB và 1 đội văn nghệ với hầu hết các hội viên trong các tổ chức đoàn thể tham gia, CLB bóng đá thanh niên, Dưỡng sinh người cao tuổi, cầu lông. Trong làng có sự lệ không phân biệt lương - giáo các hộ gia đình đều có sự động viên chia sẻ lẫn nhau, sống đoàn kết, hoà thuận, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, thăm hỏi động viên nhau khi gia đình có hoạn nạn, khó khăn, đồng thời nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa
Với thành tích 4 năm liên tục đạt danh hiệu Làng văn hoá khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết mà nhân dân trong thôn đã vun đắp. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn là nguồn cổ vũ động viên to lớn để đồng bào lương- giáo tiếp tục đoàn kết thi đua, phấn đấu sớm đưa Cứu Sơn thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Theo Xuân Thuỷ/baobacninh.com.vn