Sự hứng khởi là điều nhìn thấy rõ, sau khi con số tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 được công bố ở mức 6,81%, vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với các năm từ năm 2011 trở lại đây.
Nhưng đâu là căn nguyên khiến kinh tế tăng trưởng ngoạn mục như vậy. Câu trả lời từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là “nhờ sự cải thiện từ cả tổng cung và tổng cầu”.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, năm 2017, điểm sáng là cả 3 khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - mặc dù vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai, bão, lũ - nhưng đã có bước tăng trưởng vượt bậc, tăng khoảng 2,9% - gấp hơn 2 lần mức tăng của năm 2016 (1,36%), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Sản xuất rau, quả xuất khẩu khả quan và thủy sản tăng trưởng ổn định (5,54%) là nguyên nhân khiến khu vực này tăng trưởng mạnh trong năm qua.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - mặc dù vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai, bão, lũ - nhưng đã có bước tăng trưởng vượt bậc, tăng khoảng 2,9% - gấp hơn 2 lần mức tăng của năm 2016 |
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 8%, cao hơn mức tăng năm 2016 (7,57%), đóng góp 2,77 điểm phần trăm. Có kết quả tăng trưởng ấn tượng này là nhờ động lực từ công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vượt bậc, vừa bù đắp sự sụt giảm của ngành khai khoáng vừa kéo theo sự tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tháng 12/2017 ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 7,7%); tính chung cả năm ước tăng 9,4% (năm 2016 tăng 7,4%), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng 7-8,1%).
Ngành xây dựng cũng tăng trưởng khá, đạt mức 8,7%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm.
Còn khu vực dịch vụ, tăng trưởng tốt từ đầu năm, tính chung cả năm tăng khoảng 7,44% (năm 2016 tăng 6,98%), đóng góp 2,87 điểm phần trăm. Trong đó các ngành chiếm tỷ trọng lớn đều tăng trưởng ấn tượng, nhất là: bán buôn, bán lẻ (8,36%); dịch vụ lưu trú, ăn uống (8,98%); hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (8,14%).
Như vậy, tổng cung đã tăng trưởng tốt, Trong khi đó, tổng cầu cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Ở thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 (10,2%). Nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,46% (năm 2016 tăng 8,33%), một mức tăng rất cao.
Trong khi đó, thị trường nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu gần 425 tỷ USD là một con số ấn tượng, đóng góp lớn cho tăng trưởng.
Nhìn một cách cụ thể hơn, xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm) vào tăng trưởng GDP.
Cùng với đó, tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,3 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu, làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
“Động lực của tăng trưởng năm nay nếu đứng về sản xuất thì là xuất khẩu còn về phương pháp sử dụng là tiêu dùng”, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) đã phân tích dựa trên số liệu thống kê.
Khi được đặt câu hỏi vì sao kinh tế Việt Nam 2017 lại tăng trưởng ngoạn mục như vậy, ông Nguyễn Bích Lâm đã khẳng định rằng, đó là kết quả của quá trình tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy tích cực vai trò Nhà nước kiến tạo.
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Hiệu lực, hiệu quả cùng với sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; giám sát của Quốc hội; điều hành của Chính phủ đã đem lại những chuyển biến tích cực của mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn