Mạnh dạn trồng chuối tây, giúp người dân xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn thoát nghèo bền vững
Đối với miền núi, việc chọn cây trồng nào cho phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo không phải là chuyện dễ. Bên cạnh đó, dù chọn được cây trồng phù hợp, xây dựng thành công mô hình rồi, nhưng kết nối thế nào để các sản phẩm trở thành hàng hóa lại càng khó hơn.
Với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao quyền năng kinh tế, từ đó có tiếng nói nhất định trong gia đình, Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam và các đối tác, đã hỗ trợ xây dựng thành công mô hình cây chuối tây tại xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, với mô hình cây chuối tây, không chỉ giúp các gia đình hội viên phụ nữ xóa đói giảm nghèo bền vững, mà còn nâng cao năng lực sản xuất cho chị em, gắn sản xuất với thị trường và nâng cao quyền năng người phụ nữ trong gia đình.
Xóa nghèo bền vững nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp
Gia đình chị Trần Thị Hoa, ở thôn Nà Đon, xã Thanh Vận là một trong những hộ tiên phong tham gia dự án trồng chuối Tây do tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam và các đối tác hỗ trợ.
Từ chỗ vốn là một trong những hộ nghèo của thôn, nhờ mạnh dạn trồng chuối tây trên đất đồi cằn, gia đình chị Hoa không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn trở thành gia đình khá giả, có của ăn của để, bình quân thu nhập mỗi năm từ cây chuối tây hơn 40 triệu đồng.
Nhạy bén với thị trường, hiện nay gia đình chị Hoa không chỉ dừng lại ở việc trồng chuối, mà còn trở thành đầu mối thu mua chuối của bà con đem đi các nơi tiêu thụ. Năm ngoái, gia đình chị Hoa đã xây dựng được một căn nhà mới khang trang hơn 300 triệu đồng.
Chị Hoa tâm sự: "Ngày trước cuộc sống rất khó khăn lắm, làm gì cũng khó, nay giàu lên cũng nhờ cây chuối, tôi xây nhà này cũng nhờ tiền trồng chuối và thu gom mua chuối… không có cây chuối không biết sống thế nào, ở đây gia đình nào cũng khá lên nhờ cây chuối nên ai cũng phấn khởi".
Ở xã Thanh Vận, gia đình bà Phạm Thị Quy cũng đã chuyển hơn 2 ha ngô, keo sang trồng chuối từ 6 năm nay. Bà Quy tính toán, với hơn 2 ha trồng keo phải sau 7 năm mới cho thu hoạch, giá trị kinh tế được khoảng 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng diện tích ấy, từ ngày trồng chuối năm nào gia đình bà Quy cũng bán được từ 35 - 45 triệu đồng, sau 7 năm thu được hơn 200 triệu đồng, tính ra gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô, keo.
Bà Quy bảo, gia đình bà có làm ruộng nhưng cũng chẳng ăn thua, chỉ đủ gạo ăn trong cả năm, còn từ khi trồng chuối thì thu nhập nhìn vào cây chuối hết, 60-70% kinh tế gia đình đều dựa vào cây chuối, bây giờ thì đời sống khá lên rất nhiều rồi, gia đình bớt khổ thì con cái được học hành đầy đủ, phấn khởi lắm.
Chị Hà Thị Năm, ở thôn Pác Lải, xã Thanh Vận cho biết, từ khi tham gia trồng chuối đời sống kinh tế của nhiều gia đình trong thôn, trong xã không ngừng được tăng lên, chị em yên tâm sản xuất và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn.
Đặc biệt, khi quyết định được vấn đề kinh tế, tiếng nói của chị em trong gia đình cũng được nâng lên.
Thôn Pác Lải, xã Thanh Vận từ khi tham gia trồng chuối đời sống kinh tế của nhiều gia đình trong thôn, trong xã không ngừng được tăng lên
Chị Năm kể, ở Thanh Vận chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, theo phong tục tập quán, đàn ông trong gia đình là người nắm kinh tế và rất gia trưởng, người vợ khó có thể đưa ra những quyết định trong những việc lớn của gia đình.
Tuy nhiên, từ khi xây dựng mô hình trồng chuối tây, kinh tế được nâng lên, tiếng nói của chị em trong gia định đã được khẳng định, từ đó tạo ra sự bình đẳng, việc lớn, việc nhỏ vợ chồng đều bàn bạc, cùng làm nên cuộc sống hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, để giúp các gia đình trồng chuối phát triển bền vững, ở các thôn còn thành lập tổ tín dụng tiết kiệm, với hình thức sinh hoạt mỗi tháng một lần, các gia đình đều tham gia cổ phẩn và gia đình nào khó khăn sẽ được vay từ chính nguồn tiền này để đầu tư vào sản xuất.
Với hình thức hoạt động tổ nhóm, các hộ còn hỗ trợ nhau tiêu thụ chuối, chia sẻ với nhau khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và sản lượng chuối. “Để nghề trồng chuối bền vững, chúng tôi đã thành lập quý tiết kiệm để để hỗ trợ nhau, rồi phân công nhau tiêu thụ chuối cho các đầu mối nên hiệu quả kinh tế và kỹ thuật canh tác cũng được nâng lên, hiện nay các gia đình trồng chuối đều đã khá giả”. Chị Hà Thị Năm cho biết.
Gắn sản xuất với thị trường, mô hình xóa nghèo bền vững
Trong 5 - 6 năm trở lại đây, mô hình trồng chuối tây ở xã Thanh Vận phát triển mạnh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay toàn xã đã có hơn 300 ha.
Để hỗ trợ bà con trồng chuối bài bản, tăng năng suất cũng như cải thiện thu nhập, từ năm 2011, Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, cùng các đối tác như SNV, Oxfam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ADC) đã mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng chuối và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành các tổ, nhóm liên kết sản xuất, đặc biệt là khâu kết nối thị trường được làm bài bản và có trách nhiệm, tránh tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Với mô hình cây chuối tây, không chỉ giúp các gia đình hội viên phụ nữ xóa đói giảm nghèo bền vững, mà còn nâng cao năng lực sản xuất cho chị em
Theo ông Nguyễn Công Thía, Cán bộ tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam, việc xây dựng mô hình, sản xuất ra sản phẩm thì dễ, nhưng làm thế nào để kết nối, đưa sản phẩm được ra thị trường mới là điều đáng bàn. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm từ việc sản xuất rồi mời tìm thị trường, tổ chức Care và các đối tác đã làm ngược lại là tìm thị trường rồi định hướng sản xuất…
Với cách làm này, sản phẩm chuối tây ở xã Thanh Vận đã sâm nhập được thị trường ổn định: “Chúng tôi đã cùng các đối tác nghiên cứu rất kỹ thị trường cho cây chuối tây, tránh vết xe đổ là chỉ hỗ trợ sản xuất mà không hỗ trợ tiêu thụ, một khâu rất yếu của nông nghiệp hiện nay, còn bà con nông dân thì cũng chỉ biết sản xuất, còn năng lực kết nối thị trường họ không có thì mình phải giúp họ cái này”.
Ông Vũ Đàm Hùng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ADC) cho biết, cùng với việc tìm kiếm thị trường với thế mạnh của trung tâm là chuyên giao khoa học kỹ thuật, trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương phối hợp với phòng nông nghiệp huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất cho bà con nông dân, hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với quan điểm là làm những gì thị trường cần, chứ không phải là bán những gì nông dân có, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu “Chuối tây Bắc Kạn”.
“Chúng tôi rất chú ý đến khâu thị trường, nhưng để có được thị trường thì sản xuất phải tốt, nên chúng tôi đã hướng dẫn bà con nông dân sản xuất có chất lượng theo yêu cầu của thị trường, nâng cao cách nghĩ và cách sản xuất của bà con là phải gắn sản xuất với thị trường, chứ không nên sản xuất ra những gì thị trường đã dư thừa… từ cách làm này chất lượng chuối tây ở đây đã được khẳng định và có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu cho bà con… đây cũng là một điều đáng mừng”. Ông Vũ Đàm Hùng nói.
Với trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự án, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chuối cho bà con nông dân ở xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Những sản phẩm chuối này đều được trực tiếp xuất khẩu sang thị trường các nước láng giềng hoặc chế biến khô để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Hà Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Vận, việc trồng cây chuối tây ở địa phương đang phát triển thuận lợi, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn xã, đặc biệt khâu tiêu thụ đã dần đi vào ổn định với các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu.
Tuy nhiên, để cây chuối phát triển bền vững hơn nữa xã đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập HTX, nhằm có đủ tư cách pháp nhân ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, tránh những rủi ro trong việc ký kết hợp đồng đơn lẻ như hiện nay.
Ông Hà Văn Hưởng nói: “Qua sự hỗ trợ để phát triển cây chuối tây thì hiện nay hiệu quả đã được khẳng định, vấn đề là làm sao để tiếp tục nâng cao giá trị nó lên. Chúng tôi cũng rất may mắn là được nhiều tổ chức hỗ trợ, người dân cũng chịu khó thay đổi theo cách làm mới nên đã góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo. Hiện nay thì địa phương đã hoàn thiện các thủ tục thành lập HTX để có đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng với các đối tác, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho bà con ổn định hơn nữa”.
Với cách xây dựng mô hình đúng và trúng với điều kiện và thế mạnh của địa phương, đặc biệt là khâu kết nối thị trường bài bản, sản phẩm chuối tây ở xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã khẳng định được được chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, với sản lượng hơn 3 nghìn tấn đưa ra thị trường mỗi năm, quy mô chưa lớn, nhưng đây được xem là mô hình hay trong việc thay đổi tư duy là tìm thị trường rồi mới sản xuất, chứ không phải là sản xuất xong mới đến tìm thị trường như trước đây. Với cách làm này, không chỉ giúp sản phẩm bà con làm ra tiêu thụ được mà còn gia tăng giá trị những sản phẩm nông nghiệp.
Theo Phạm Văn An/Báo Dân Sinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn