Hy vọng công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện trong năm 2017
Thực tế cho thấy, sự đủng đỉnh trong giải ngân những tháng đầu năm, dồn công việc vào cuối năm từng dẫn đến hệ quả là rất nhiều bộ, ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Ngay như năm 2016, qua hai quý đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư mới đạt 30% kế hoạch. Thực trạng đó đã khiến Chính phủ phải gấp rút ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP, đặt ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2016. Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, đơn giản hóa thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng… nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Thậm chí, Chính phủ còn giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, rà soát tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương, nếu đến 30/9/2016, đơn vị nào giải ngân dưới 50% thì phải điều chỉnh kế hoạch vốn.
Chính phủ đã rất nỗ lực, đồng thời tạo điều kiện tối đa, nhưng đến hết tháng 11/2016, giải ngân vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công chỉ đạt trên 70% kế hoạch, trong đó 12 bộ, ngành và địa phương giải ngân dưới 50%. Riêng giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 46,6% kế hoạch, trong đó có 2 bộ và 15 địa phương giải ngân dưới 50%.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp đã buộc Thủ tướng phải gửi công điện tới các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước yêu cầu giải ngân 100% nguồn vốn 2016. “Kỷ luật sắt” cũng được đặt ra là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2016 được giao.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, liên tục, song đến hết năm 2016, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách chỉ đạt 80% kế hoạch, còn giải ngân vốn trái phiếu chính phủ ước đạt trên 55% kế hoạch (con số tương ứng trong năm 2015 là 79 và 72%).
Giải ngân vốn không hoàn thành, nhưng đến thời điểm này, chưa thấy bộ, ngành, địa phương nào bị kiểm điểm trách nhiệm. Và cũng khó có thể kiểm điểm trách nhiệm vì có hàng trăm lý do giải thích vì sao giải ngân chậm, chẳng hạn như phải rà soát một loạt luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Trong bối cảnh khó có thể quy trách nhiệm cụ thể trong giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đành phải sử dụng biện pháp mạnh tay là kiên quyết không bố trí vốn năm 2017 cho những dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch.
Không riêng Bộ Tài chính, với nguồn vốn vay nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tập hợp danh sách bộ ngành, địa phương đến 30/11/2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn được giao để thực hiện cắt giảm 80% số vốn nước ngoài còn lại đối với đơn vị giải ngân dưới 10%; cắt giảm 50% số vốn đối với đơn vị giải ngân từ 10% đến dưới 30%; cắt giảm 30% số vốn đối với đơn vị giải ngân từ 30% đến dưới 50% kế hoạch. Quyết định mạnh tay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính là cơ sở quan trọng để các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cuối cùng về việc bố trí vốn cụ thể cho từng dự án đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 vào ngày 19/1 tới.
Hy vọng, sự quyết liệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cùng sự động thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cải thiện được công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2020, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn