KTĐT - Cùng với toàn TP, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Mê Linh đã và đang trở thành phong trào rộng khắp, góp phần quan trọng tạo dựng diện mạo ngày một tươi mới hơn cho vùng đất ven bờ tả sông Hồng.
Dù vậy, người dân nơi đây vẫn chưa hết những trăn trở, mà một trong số đó là tình trạng thiếu cơ sở vật chất (CSVC) trường học.
Trường Tiểu học Mê Linh đang xây dựng dở dang. |
Thiếu trầm trọng
Nhà văn hóa thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm được xây dựng từ năm 1936, chỉ rộng chừng 40m2, nhưng nhiều năm qua là nơi phục vụ giảng dạy cho khoảng 20 em nhỏ. Thiếu điểm trường mầm non, 120 cháu nhỏ khác của trường Mầm non thôn Thanh Vân cũng phải học nhờ trong khuôn viên chùa Thanh Vân có diện tích chưa tới 70m2. CSVC phục vụ vui chơi, dạy và học hết sức sơ sài. Nhiều em nhỏ theo học tại các điểm trường mầm non trên địa bàn huyện hiện rất thiệt thòi vì chưa được ăn ở bán trú. Thêm nữa, điều này còn gây nhiều bất tiện cho các bậc phụ huynh trong việc đưa đón con tới lớp.
Bên cạnh sự thiếu hụt, xuống cấp của hệ thống trường mầm non, một loạt trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Mê Linh cũng đang gặp phải những vấn đề nhất định. Đơn cử như tại trường Tiểu học Thanh Lâm A, 2 dãy nhà với 18 phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 8 phòng học không đủ công năng. Hệ thống sân, vườn, tường rào… đều chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Nằm ở trung tâm huyện nhưng nhiều năm qua, trường Tiểu học Mê Linh (xã Mê Linh) cũng bị thiếu lớp học trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2015, dự án mở rộng, nâng cấp trường đã được phê duyệt đầu tư, tuy nhiên, tiến độ thi công các hạng mục hiện khá chậm chạp…
Cũng theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, tính đến tháng 6/2015, toàn huyện mới chỉ có 5/16 xã hoàn thành tiêu chí về CSVC trường học trong xây dựng NTM.
Loay hoay bài toán vốn
Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn huyện Mê Linh đã có 9 trường học được xây dựng mới; 62 trường học được cải tạo, nâng cấp, mở rộng; 224 phòng học tạm, phòng học cấp 4 được xóa. Số trường học đạt chuẩn quốc gia là 33/74 trường. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những khó khăn về CSVC giáo dục trên địa bàn huyện vẫn đang là bài toán khiến lãnh đạo địa phương phải “đau đầu”.
Nhằm sớm giải quyết bài toán này, thúc đẩy việc hoàn thành sớm tiêu chí CSVC trường học trong xây dựng NTM, đầu năm 2015, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát thực trạng các trường, xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách hỗ trợ, đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên huyện mới ưu tiên bố trí vốn, đầu tư và kêu gọi đầu tư cho một số dự án tại những địa phương đặc biệt khó khăn về CSVC trường học.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết thêm, từ đầu năm 2015 đến nay, huyện mới được TP bố trí khoảng 30 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống trường học. Với một số dự án, kinh phí phải chia ra thành nhiều giai đoạn, với phương châm bắt đầu từ việc đáp ứng cơ bản nhu cầu giảng dạy. Để có được nguồn vốn đầu tư, huyện cũng tích cực kêu gọi sự chung tay, góp sức của các tổ chức, DN. Đến nay, đã có một số dự án được triển khai ở các xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thắng... Ngoài ra, việc huy động sự đóng góp của các bậc phụ huynh cũng được huyện chỉ đạo các trường quan tâm thực hiện; tuy nhiên, nguồn thu này là rất hạn chế và chủ yếu chỉ đủ phục vụ cho xây dựng cụm hạ tầng nhỏ như sân, vườn, tường rào. Chính vì vậy, huyện Mê Linh rất mong các sở, ban, ngành TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí thường xuyên để huyện từng bước hoàn thiện CSVC trường học, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu dạy và học cho con em trên địa bàn.
Theo: ktdt.vn