Mê mẩn những món đồ mỹ nghệ từ dó trầm của ông chủ 8X ở Hà Tĩnh
Chủ nhật - 15/09/2019 06:42
Với đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê, tâm huyết mang hương thơm đặc trưng quê hương đến mọi miền Tổ Quốc anh Phạm Văn Vinh, thôn 8, xã Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh) đã chế tác nhiều sản phẩm từ dó trầm độc đáo để gia tăng giá trị sản phẩm.
Tốt nghiệp PTTH anh Phạm Văn Vinh vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau nhiều ngày tháng bôn ba anh nhận ra vùng đất được mệnh danh “lãnh địa trầm hương” Phúc Trạch (Hương Khê) quê hương giàu tiềm năng như vậy tại sao vẫn còn nhiều người nghèo, người không có việc làm. Trong khi đó hàng ngày những chuyến xe chở cây dó vẫn hối hả đổ đi các vùng cả nước như Huế, Phú Yên, Nha Trang? Nếu chế biến sản phẩm tại địa phương sẽ tạo được nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất nguyên liệu và quê hương.
Anh Phạm Văn Vinh giới thiệu sản phẩm từ trầm hương đến khách hàng
Cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi anh em, gia cảnh vô cùng khốn khó. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, ban đầu anh Vinh đi làm thuê để học hỏi cách nhận biết chất, lượng tinh dầu, cách khoan, đẽo…dần dần khi có một ít kiến thức về các sản phẩm chế biến từ dó trầm năm 2014 anh mạnh dạn thuê một số lao động chế biến sản phẩm trầm miếng, nắm bắt nhu cầu của thị trường anh Vinh đã phát triển thêm các sản phẩm khác như: nhang thẻ, nhang vòng, nhang nụ, nhang viên... Từ năm 2016 anh Vinh phát triển thêm sản phẩm trầm cảnh, vòng đeo tay, vòng đeo cổ phong thủy.
“Trong đời sống văn hóa nhân loại trầm hương là sản phẩm phục vụ tâm linh của các tôn giáo, được dùng trong thánh lễ, nghi lễ kết nối con người với thần linh, người sống với người đã khuất. Ngày nay khi đời sống kinh tế phát triển sử dụng trầm hương là lối chơi thanh cao, tao nhã. Người ta còn dùng trầm để sám hối, gột rửa tội lỗi, để thanh thản tâm hồn, để chữa bệnh…Vì vậy tôi đã nghĩ ra nhiều sản phẩm như: Trầm viên, trầm nụ, vòng đeo tay, vòng đeo cổ phong thủy...” Anh Phạm Văn Vinh chia sẻ.
Cũng theo anh Vinh, trên thân dó bầu, trầm hương tích tụ thành lớp dầu màu đen mỏng nằm giữa các lớp giác trắng và ròng gỗ. Để lấy được phần trầm hương đặc trưng ẩn bên trong, người thợ phải trải qua các công đoạn gồm: bổ, chẻ, đục, đẽo, phá, tỉa, mài và đánh bóng nên làm nghề này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên trì. Để làm được các sản phẩm, không phải áp dụng theo công thức mà phải có cả kinh nghiệm, hiểu biết về trầm để tư vấn cho khách, chăm chút tay nghề, biết gửi cả niềm đam mê, sáng tạo, khéo léo thì sản phẩm mới đẹp được.
Mặc dù khởi nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, vừa làm, vừa học nhưng anh Vinh đã phát triển được kinh tế hộ gia đình, xây dựng được nhà cửa khang trang, có vốn tái đầu tư và mua sắm một số máy móc. Sản phẩm từ trầm hương của anh đã được nhiều khách hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận biết đến. Cơ sở của anh cũng tạo công việc thường xuyên cho 04 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.
Cơ sở của anh cũng tạo công việc thường xuyên cho 04 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.
Nói về dự định tương lai, anh Vinh tâm sự: "Việc chuyển đổi mô hình để phát triển từ sản xuất hộ gia đình sang HTX gặp nhiều khó khăn đối với một người trẻ khởi nghiệp như cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, vốn, việc làm… Tuy nhiên, với những gì tích lũy được trong những năm qua cộng với trí tuệ, năng lực tập thể, và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đặc biệt là khi đăng kí tham gia chương trình OCOP của tỉnh sản phẩm trầm hương thương hiệu Thành Vinh sẽ đến được mọi miền Tổ Quốc và vươn ra thị trường thế giới”.