Làng miến Cự Đà nhộn nhịp vào mùa tết. |
Những ngày cuối năm, bước chân vào làng Cự Đà, đâu đâu cũng thấy miến, miến được phơi trên khắp cánh đồng, các đường làng, tường bao, vườn nhà, trong sân, ngoài ngõ… Trên con đường làng xe máy, xe kéo, xe ô tô… tấp nập nối đuôi bốc xếp hàng. Người người tất bật bên những chảo miến nghi ngút hơi khói trắng.
Làng Cự Đà được xem là làng nghề làm miến lớn nhất ở miền Bắc. Đây cũng là làng nghề có miến ngon nhất, đắt nhất, quy trình sản xuất tỉ mẩn nhất. Miến Cự Đà không hề lẫn với các vùng miền khác, nổi bật và dễ nhận ra là miến thường có màu vàng óng hoặc trắng mịn, khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai rất vừa miệng.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời gắn liền với nghề làm miến, ông Vũ Văn Hùng chia sẻ: Trước đây miến làm thủ công, tráng bằng tay nồi rộng miệng hay là cái chảo, ngày chỉ được 1-2 tạ miến. Sau này người dân chuyển dần sang làm bằng máy. Hầu như các cơ sở sản xuất ở đây làm miến đều làm máy, kể cả máy tráng và máy cắt miến.
Những ngày này, ngoài hai vợ chồng, ông Hùng còn thuê 8 người làm để kịp phục vụ tết. Hiện cơ sở ông Hùng làm từ 1-2 tấn/ngày. Thị trường chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh miền Trung, miền Nam và ra cả nước ngoài. Miến phần lớn làm xong được các đại lý tới lấy tiêu thụ ngay trong ngày. Cơ sở đã có giấy chứng nhận ATTP.
“Ngày tết khách hàng đặt nhiều hơn, phải làm liền tay mà không đủ sản lượng để bán. Thời gian này, nhà nào cũng tráng, cũng thuê người nên không đủ nhân lực phục vụ nhu cầu cho khách. Chúng tôi nhờ làm miến nên có kinh tế ổn định hơn. Trừ mọi chi phí cũng được 1-2 triệu đồng/ngày”, ông Hùng nhấn mạnh.
Là một trong 4 hộ dân của làng Cự Đà còn giữ được nghề làm miến dong thủ công, bà Nguyễn thị Phương cho rằng, với cách làm truyền thống vất vả hơn nhưng vẫn giữ được cốt cách làm miến của cha ông.
Ngày ngày, gia đình bà Phương phải dậy từ 1-2h sáng để tráng miến; người tráng, người kéo, người mang đi phơi cho kịp giờ. Phơi nắng xong về quay sợi rồi lại lên phơi, rồi mới đóng kiện để bán.
Bên cạnh đó, tráng miến bằng tay ngon hơn miến làm máy vì có bột ngon hơn, miến được hầm hơi lâu hơn, còn máy thì bột gì cũng làm được. Gia đình bà Phương chỉ sản xuất sản phẩm duy nhất là miến mộc, với giá 60.000 đồng/kg. Các sản phẩm đều được đóng gói, nhãn, tem… để truy xuất nguồn gốc.
Bà Phương tâm đắc: “Để giữ được cái nghiệp, bố mẹ mình làm miến như thế nào thì mình làm như thế. Vậy nên, miến gia đình tôi ngon nhất, bán đắt nhất làng. Gia đình sản xuất 3 tạ/ngày, chỉ phục vụ những người quen và người mua đi tặng, đi biếu, còn ngày tết không đủ để bán ra thị trường”.
Người dân vẫn giữ được truyền thống tráng miến bằng thủ công. |
Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Làng Cự Đà tự hào: "Nghề làm miến ở Cự Đà có từ lâu đời, ngót nghét gần thế kỷ rồi. Ai đã từng ăn miến ở Cự Đà sẽ khó quên bởi hương vị riêng. Người dân làng Cự Đà giàu có như bây giờ đều nhờ vào nghề làm miến. Chúng tôi tự hào vì sinh ra và lớn lên ở làng quê có nghề truyền thống, đều có 3-4 thế hệ tiếp nối nghề làm miến”. |
Nói về nghề làm miến, ông Vũ Văn Thành, nguyên Chủ nhiệm Hiệp hội Làng nghề miến và tương Cự Đà cho biết: Dù sản xuất truyền thống hay bằng máy móc, miến Cự Đà được làm từ 100% bột dong riềng, sợi nhỏ, đều, có màu vàng hoặc trắng mịn.
Muốn sợi miến ngon phải có nguyên liệu bột tốt, người dân lựa chọn những củ dong riềng nguồn gốc từ các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn… Ngoài ra, khâu kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn của người làm nghề.
Cách đây khoảng 20 năm, người làm miến rất vất vả vì mọi công đoạn đều thủ công. Trở dậy làm từ 2-9h sáng mới sản xuất được hơn 2 tạ miến. Đến nay, các hộ đã đầu tư máy móc thay sức người ở những công đoạn nặng nhọc như tráng, nghiền bột… Điều đặc biệt, miến dong Cự Đà dù làm máy hay thủ công thì hương vị truyền thống cũng không hề thay đổi.
Cũng theo ông Thành, để có những sợi miến ngon phải trải qua quá trình tỉ mẩn. Miến được làm từ củ rong diềng, sau đó đem xay nhuyễn thành bột. Tiếp tục ngâm với nước để lọc lấy phần tinh bột rồi đánh đều tay.
Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín bột được tráng thành bánh trên các mành tre, hấp chín và đem phơi nắng.
Sau khi khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và tiếp tục đem phơi cho thật khô. Miến được đóng gói và phân phối tới khắp các vùng miền của Việt Nam.
“Thời gian này, người dân làm miến đang hối hả vào tết. Sức tiêu thụ miến ở đây có 3 tháng tết hơn cả 9 tháng trong năm. Người dân Cự Đà có kỹ thuật, trình độ làm miến hơn hẳng các vùng miền khác. Nhiều địa phương đều về đây để học hỏi kinh nghiệm, bí quyết làm miến”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo: Trần Hồ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn