Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc xác nhận, việc đầu tư hệ thống GTNĐ đã giúp nông dân thuận lợi hơn trong việc sản xuất, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, đồng thời kết nối với các tuyến đường liên thôn, liên xã để việc vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ dễ dàng.
Nông dân xã Hòa Tiến thi công đường giao thông nội đồng. |
Cánh đồng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) rộng hơn 90ha lại nằm ven sông Cẩm Lệ, trước đây ngoại trừ diện tích trồng lúa, người nông dân không dám đầu tư trồng các loại cây trồng khác. Vào mùa mưa, đường lầy lội, việc đi lại, sinh hoạt khó khăn nên người dân cũng "lơ là" chuyện đồng áng. Năm 2015, khi huyện triển khai dự án trồng rau sạch với quy mô 13ha, cùng với đó là tuyến GTNĐ dài 2,5km được đầu tư xây dựng theo phương châm "Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân tổ chức thi công". Để mở đường ra ruộng, ngoài việc hiến đất, người dân trong thôn còn góp công, góp sức nâng cấp, gia cố mặt bằng. Đường hoàn thành đã giúp người dân nhàn hạ hơn, chuyên nghiệp hơn bởi đến mùa thu hoạch, sản phẩm được bảo quản tại chỗ chờ xe tải chạy thẳng vào các vườn rau vận chuyển... Ông Ngô Ngọc cho biết, gia đình ông có 4 sào ruộng, khi chưa có đường GTNĐ hầu như phải sử dụng sức người. Đến vụ thu hoạch phải vác từng bao thóc đi quãng đường hơn 500m mới ra đến điểm tập kết để vận chuyển về nhà. Nay đường GTNĐ được bê-tông hóa, xe máy chạy đến tận chân ruộng, người nông dân giảm thời gian lao động trong khâu làm đất, việc bón phân, chăm sóc lúa được đảm bảo hơn.
Tại thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong), bao năm qua, hơn 9ha đất ở Gò Giảng chỉ được người dân canh tác gần 6ha sắn và khoai, số diện tích còn lại bỏ hoang. Khi địa phương khởi công xây dựng đường GTNĐ dài 700m phục vụ cho dự án trồng hoa ngắn ngày thì ai ai cũng phấn khởi. Ông Trần Văn Tâm (trú Dương Lâm 2) không giấu giếm niềm vui khi nhớ lại hình ảnh con đường vốn là nỗi ám ảnh của bà con mỗi mùa mưa lũ, nước từ trên cao chảy xiết gây sạt lở đường, tạo thành các hang hục ngập nước, rất nguy hiểm. "Khi đoạn đường này dự kiến thi công, vật liệu, xi-măng đầy đủ nhưng ngặt nỗi cư dân thưa thớt, không đảm bảo công lao động nên cũng lo. May mà có các lực lượng tình nguyện về đây hỗ trợ làm đường, giúp dân khắc phục khó khăn. Có đường tốt, thu hoạch mùa vụ chở ra chợ bán của người dân thêm thuận lợi" - ông Tâm nói trong niềm vui.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT H. Hòa Vang Nguyễn Văn Lý, phát triển GTNĐ đi kèm với "dồn điền, đổi thửa" là những điều kiện cần và đủ trong việc tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo chuỗi giá trị, chuyên canh sản xuất hàng hóa có quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao; các địa phương phải thực hiện công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất đi kèm với quy hoạch lại ruộng đồng và hoàn thiện hệ thống GTNĐ. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống GTNĐ không chỉ thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới mà còn tạo đà cho quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài việc khuyến khích nông dân tích cực thi đua lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ mới vào chăn nuôi, trồng trọt; hệ thống GTNĐ còn được kết nối đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phát triển toàn diện giữa các vùng miền.
Tác giả bài viết: VY HẬU
Nguồn tin: cadn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn