Con đường của tình quân-dân
Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên thôn Ka Vin-A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) vừa mới hoàn thành, hai bên là những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã A Đớt, chia sẻ: “Hai năm trước, đây chỉ là đường mòn dân sinh. Người dân muốn ra UBND xã làm việc phải đi vòng hơn 5km, đường sá lại gập ghềnh, rất khó đi. Bây giờ có đường mới, khoảng cách từ thôn Ka Vin đến UBND xã chỉ còn chưa đầy 900m. Con đường giúp người dân đi lại, vận chuyển giao lưu hàng hóa, nông lâm sản dễ dàng hơn nên cuộc sống bà con cũng từng bước đổi thay. Đây không chỉ đơn thuần là đường giao thông mà nó còn là “con đường của tình quân-dân”.
Tuyến đường nội thôn A Đớt, xã A Đớt vừa mới được bàn giao, đưa vào sử dụng. |
Vui mừng khi có đường mới, bà Viên Thị Hựu, thôn Ka Vin bộc bạch: “Gia đình tôi trồng hơn 7ha rừng keo. Trước đây, khi chưa có đường này, ô tô không vào đến nơi để thu mua sản phẩm nên mỗi héc-ta keo chỉ bán được 17-18 triệu đồng. Bây giờ, mỗi héc-ta keo bán được 25-30 triệu đồng. Không chỉ thuận lợi trong đi lại, vận chuyển nông, lâm sản, mà từ khi con đường mới bắt đầu triển khai, nhiều hộ dân ở trên núi cao cũng chuyển xuống ven đường để sinh sống, từ đó dần hình thành cụm dân cư giúp cho việc sinh hoạt của người dân, học tập của con trẻ cũng dễ dàng hơn trước kia”.
Thực hiện dự án quy hoạch Khu KT-QP A So gồm 5 xã: A Roàng, A Đớt, Hương Lâm, Hương Phong, Đông Sơn của huyện miền núi A Lưới giai đoạn 2016-2018, Đoàn KT-QP 92 phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương tiến hành khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công các tuyến đường nội thôn A Đớt, đường liên thôn Ka Vin-A Tin, đường nội thôn A Roàng 2, đường trục thôn Ba Lạch, đường nội thôn Ka Nôn 1 và đường liên thôn Rơ Môm-A Môn... Để triển khai dự án có hiệu quả, Đoàn KT-QP 92 (chủ đầu tư) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến công trình bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tri ân vùng đất cách mạng
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Trường Thành-đơn vị đảm nhiệm thi công tuyến đường nội thôn A Đớt, cho biết: “Tháng 9-2017, khi con đường hoàn thành chuẩn bị bàn giao thì cơn bão số 10 đổ bộ vào, tiếp đến là bão số 12 gây mưa to kéo dài, nước từ trên cao đổ về thành lũ quét làm sạt lở gần 70m đường. Để bảo đảm cho người dân có đường đi lại trong thời gian sớm nhất, chúng tôi đã trích nguồn quỹ vốn của công ty với số tiền hơn 450 triệu đồng sửa chữa lại công trình phục vụ nhân dân. Quá trình triển khai thực hiện Đoàn KT-QP 92 hỗ trợ chúng tôi rất nhiều nên khi tuyến đường hoàn thành và đưa vào khai thác, người dân rất phấn khởi”.
Cùng với việc làm đường, Đoàn KT-QP 92 còn triển khai nhiều mô hình, dự án hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân. Do đặc thù của vùng núi, nên người dân chưa quen trồng lúa nước, cán bộ của đoàn đã hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật để người dân canh tác làm quen với mô hình sản xuất mới; rồi nhiều loại rau màu, trâu, bò, lợn, gà… cũng được chăn nuôi, chăm sóc tập trung và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đoàn tổ chức tuyên truyền vận động người dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Khu KT-QP A So; xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên cương của Tổ quốc. Theo Đại tá Nguyễn Trọng Phương, việc làm trên không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự tri ân đối với vùng đất cách mạng đã có những đóng góp to lớn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Còn nhớ, trong chiến tranh, đế quốc Mỹ đã rải xuống địa bàn huyện A Lưới hàng nghìn lít chất độc hóa học khiến hơn 4.700 người dân của huyện bị nhiễm, nghi nhiễm dioxin. Sân bay A So, nơi có nồng độ ô nhiễm dioxin vượt hơn 26 lần mức độ cho phép và được mệnh danh là “thung lũng da cam”, “vùng đất chết”...
Thế nhưng, “vùng đất chết” năm xưa giờ từng bước hồi sinh, đến các bản làng thuộc Khu KT-QP A So, trong dịp kỷ niệm 57 năm “Thảm họa da cam Việt Nam” (10-8-1961 / 10-8-2018), đằng sau nỗi đau da cam, chúng tôi thấy rõ niềm vui của bà con nơi đây khi cuộc sống ngày càng khởi sắc. Và mỗi lần nói đến sự đổi thay, người dân luôn nhớ đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ sâu nặng nghĩa tình của những người lính Đoàn KT-QP 92.
Bài và ảnh: HUY CƯỜNG/qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn