Về thôn Bản Kha, xã Sín Chéng, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi ở nơi mà trước đây chủ yếu sống phụ thuộc vào trồng ngô là chính. Thôn Bản Kha có 87 hộ người Mông, nhờ chuyển đổi sang nuôi trâu, bò cho nên cuộc sống khá lên từng ngày. Nhà Trưởng thôn Giàng A Phà xây khang trang, có đủ các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, điều mà trước đây bản thân anh chưa từng dám mơ ước. Anh chia sẻ: "Trước đây, bảy nhân khẩu trong gia đình chỉ biết trông vào hơn 1 ha đất nông nghiệp và một ít đất trồng rừng, cho nên cuộc sống rất khó khăn. Ðất bạc màu, trồng ngô năng suất thấp, phụ thuộc thời tiết, giá bán bấp bênh, cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Từ năm 2010, gia đình đầu tư mạnh vào chăn nuôi trâu, bò nên kinh tế đã khá dần lên, trung bình mỗi năm thu về 70 triệu đồng tiền lãi từ chăn nuôi đại gia súc". Không chỉ có gia đình anh Phà, ở thôn Bản Kha, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên khá giả nhờ chăn nuôi, góp phần giảm số hộ nghèo của thôn từ 40 hộ (năm 2010) xuống còn 12 hộ (năm 2016).
Si Ma Cai là huyện vùng cao biên giới, ít đất canh tác nông nghiệp, chủ yếu là núi đá vôi, phù hợp với chăn nuôi đại gia súc. Ngoài ra, Si Ma Cai có nguồn lao động dồi dào hầu hết người dân sống bằng nghề nông nghiệp, có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc. Trên địa bàn huyện có hai chợ phiên mua bán gia súc, số lượng trao đổi mỗi phiên lên đến hàng nghìn con, rất thuận lợi trong việc tiêu thụ, nổi tiếng là chợ trâu Cán Cấu. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS như Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết 22-NQ/TU ngày 11-11-2014 về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho riêng huyện Si Ma Cai.
Nghị quyết 22 xác định "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế là chăn nuôi đại gia súc, thông qua cơ chế và chính sách đặc thù ưu tiên cho nông dân vốn, con giống, chuồng trại, trồng cỏ, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh gia súc… Theo đó, Dự án đầu tư và phát triển chăn nuôi huyện Si Ma Cai giai đoạn 2015 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, có tổng kinh phí đầu tư là 517 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh sẽ chi phí quản lý vốn vay, cấp bù lãi suất cho vay thông qua nguồn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với mức ngân sách chi 56,4 tỷ đồng, trong đó cấp bù lãi suất là 42,2 tỷ đồng. Mức cho vay không thế chấp thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 500 triệu đồng/hộ, thời gian vay 36 tháng; tổng vốn vay là 335 tỷ đồng.
Ðể triển khai thực hiện, huyện Si Ma Cai lựa chọn hai xã điểm là Sín Chéng và Bản Mế để làm trước, từ đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Tại đây, thành lập 13 nhóm sở thích chăn nuôi gia súc tại xã Sín Chéng, với 606 con gia súc và 12 nhóm sở thích tại xã Bản Mế, với 702 con gia súc. Việc thành lập các nhóm sở thích cùng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng chất lượng cao đã giúp các hộ dân chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi; hỗ trợ, giúp đỡ nhau cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi... Bí thư Ðảng ủy xã Sín Chéng Vàng A Vảng phấn khởi cho biết: Xã có chín thôn, bản, chủ yếu là bà con dân tộc Mông, đời sống còn gặp không ít khó khăn, nhờ dự án nuôi đại gia súc của huyện, đến nay, bà con đã mua gần 350 con trâu, bò. Bên cạnh đó, dự án "Ngân hàng bò sinh sản" cấp cho người dân địa phương 48 con; số trâu, bò theo Ðề án chăn nuôi đại gia súc đã sinh sản thêm được 21 con, nâng tổng đàn trâu, bò của địa phương lên 1.324 con. Ðây là mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa nghèo cho bà con nông dân ở địa phương. Anh Lùng A Thèn, ở xã Sín Chéng chia sẻ: "Tôi mới mua con trâu đầu năm ngoái với giá 23 triệu đồng, vừa rồi bán đi được hơn 40 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi dự định mua tiếp hai con trâu giống để chăn nuôi. Cứ thế nhân đàn, sau vài năm tôi có cơ hội thoát nghèo bền vững".
Từ thành công ở hai xã Sín Chéng và Bản Mế, từ đầu năm 2015, huyện Si Ma Cai đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc ở tất cả các xã trong toàn huyện. Phòng Nông nghiệp huyện phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, hướng dẫn người dân chọn mua con giống, phòng, chống rét cho trâu, bò, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, khuyến khích làm chuồng trại chăn nuôi tập trung, không chăn thả tự do... Tỉnh Lào Cai hỗ trợ hàng trăm con trâu, bò đực giống tốt, giao cho người dân nhận chăm sóc và thả vào đàn trâu, bò địa phương để cải tạo giống trâu, bò đang chăn thả; sau ba năm thì con đực giống thuộc về người nuôi dưỡng. Ðể bảo đảm nguồn thức ăn, Trung tâm khuyến nông tỉnh khảo nghiệm, đưa vào trồng đại trà giống cỏ VA06 (lai cỏ voi với cỏ đuôi sói của Mỹ) cho năng suất tới hơn 100 tấn/ha, hàm lượng dinh dưỡng cao gấp bốn lần cỏ thường, có thể sinh trưởng trong giá rét.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sau hơn hai năm, đồng bào các DTTS ở huyện vùng cao Si Ma Cai đã chuyển mạnh từ trồng trọt sang chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðến nay, toàn huyện đã có thêm 1.397 con trâu, bò theo dự án chăn nuôi, sinh sản thêm 68 con (tăng đàn 4,8%); bà con nông dân đã trồng được hơn 700 ha cỏ voi, đáp ứng được khoảng hơn 50% nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc; chuồng trại "ba cứng" (cứng nền, cứng tường và cứng mái) hơn 3.000 cái, bảo đảm 100% gia súc được nuôi nhốt, không thả rông. Ðây chính là cơ sở để đồng bào các DTTS ở vùng cao biên giới Si Ma Cai xóa nghèo bền vững.
Theo: Quốc Hùng/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn