Ô nhiễm làng quê
Khi điều kiện kinh tế phát triển, đời sống của người dân cải thiện thì cũng đồng nghĩa với việc rác thải ngày một nhiều.
Thoạt đầu, rác thải sinh hoạt được người dân mang ra đổ ở mương máng, ao hồ quanh làng. Do khi đó, rác vẫn còn chưa nhiều và chủ yếu là rác hữu cơ nên qua nhiều năm mọi người vẫn chưa nhìn thấy ô nhiễm.
Thế nhưng, khoảng chục năm gần đây rác thải trở nên quá tải vì ao hồ, mương máng không còn chỗ mà chứa. Người ta mang rác đổ lung tung, ven các bờ vùng bờ thửa, ven các khu ruộng đất canh tác. Nếu như trước đây rác đổ công khai, thì nay nhiều hộ phải mang rác đi đổ trộm ngoài đồng vì quá bí chỗ.
Quả thực là về bất cứ một làng quê nào bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp ngổn ngang những bãi rác tự phát. Rác tràn xuống ruộng, rác lấp ao, hồ và rác “bao vây” các khu dân cư. Mùi xú uế của rác thải khiến môi trường sống của chính người nông dân ít nhiều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có những bãi rác chỉ cách phòng ngủ, quán hàng ăn, khu vui chơi giải trí của trẻ em chưa đầy 20m. Dường như người dân cũng đã quá quen với hình ảnh của các bãi rác hôi thối, ruồi nhặng xúm đen nên họ vẫn thản nhiên ăn, thản nhiên sống, sinh hoạt… bên cạnh.
Ngoài rác thải ra thì môi trường sống ở nông thôn cũng đang bị “tấn công” bởi nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Nếu như nước bề mặt quanh làng, xóm đen ngòm vì chính lượng nước thải sinh hoạt của người dân hàng ngày trực tiếp đổ ra, thì nước ngầm cũng đã và đang có dấu hiệu bẩn rất nhanh.
Từ rác thải, từ nước thải trên bề mặt như vậy nên việc nước ngầm bị ô nhiễm là điều hiển nhiên, vì qua thời gian, sự ô nhiễm cứ ngấm xuống để rồi người dân vẫn phải hút nước ngầm lên ăn và sẽ khó lòng tránh được bệnh tật cùng nhiều ảnh hưởng về sức khỏe.
Một con mương ứ đọng vì rác thải sinh hoạt
Để môi trường các làng quê được cải thiện và cuộc sống của người dân đỡ ngột ngạt vì ô nhiễm thì chính quyền các tỉnh, thành phố cần có những hoạch định lâu dài.
Chúng ta có thể thành lập các đội thu gom rác thải sinh hoạt từ cấp xóm, thôn trở lên và để rồi đem số rác thu gom được hàng ngày đó mang đi chôn lấp tại một bãi rác đã quy hoạch. Tuyệt đối không để cho tình trạng dân đổ rác bừa bãi và nếu ai không tuân thủ thì địa phương có thể áp dụng hình thức phạt tiền, cảnh cáo để dăn đe những người khác.
Về vấn đề nước thải sinh hoạt của dân thì chúng ta cũng có thể vận động dân góp vốn, cùng với ngân sách địa phương để xây mới hệ thống cống ngầm thoát nước.
Từ hệ thống cống ngầm này, nước thải phải được đưa ra xa thôn, xóm và hòa vào hệ thống tiêu thoát nước lớn của cả vùng để hạn chế ô nhiễm tới mức thấp nhất cho nguồn nước ngầm…
theo Nông Nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn