Nuôi tôm đem lại một cuộc sống đổi thay cho nhiều gia đình ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Người thành công cũng có nhưng người thất bại cũng không phải là hiếm gặp. Hiện đa phần người dân vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chưa tham gia vào các chuỗi giá trị để tăng qui mô hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành đầu vào.
Tôm ăn hết cả “sổ đỏ”
Ở vùng tôm Sóc Trăng, nhiều người bảo “Tôm ăn sạch cả sổ đỏ, nhà đất” rồi. Ý nói rằng, việc đầu tư vào nuôi tôm nhiều năm qua gây thua lỗ, nhiều gia đình không còn đất đai, nhà cửa nữa; thậm chí là việc nuôi không đúng qui trình đã phá hủy toàn bộ đầm, ao không thể canh tác nổi.
Hơn 10 năm trước, ông Phạm Thành Công, ấp Hòa Thượng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, từng là người nuôi tôm thành công nhất nhì ở tỉnh này giờ trắng tay chia sẻ: “Thời gian đầu nuôi cũng hiệu quả, được đâu 4 năm gì đó. Bước đầu có vốn thì mua đất, ủi đất nuôi công nghiệp. Năm đầu tiên, nuôi mật độ dày quá, tôm lột, yếu nên không được giá, lỗ mấy trăm triệu. Sang năm thứ hai, tạt men vi sinh Hầm cầu và bọt đường thì cả 8 ao đều chết hết, còn lại 1 ao không tạt thì chỉ lãi chút đỉnh. Từ năm 2003 đến giờ không nuôi được nữa vì cứ thả tôm là chết”.
Theo chia sẻ của ông Phạm Thành Công, đến thời điểm này, ông không có tiền để trang trải cuộc sống nhưng cũng không thể là hộ nghèo vì nhà có quá nhiều đất mà không thể canh tác. “Giờ vợ tôi bỏ đi nơi đâu không biết, một mình tôi cày thuê cuốc mướn để nuôi đứa con ngoài 30 tuổi bị bệnh tâm thần” – ông nói trong rơm rớm nước mắt.
Câu chuyện của ông Phạm Thành Công chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp nuôi tôm thất bại ở vựa tôm này. Bà con nuôi tôm thường gặp phải là những rủi ro về chất lượng con giống; điều kiện thời tiết, môi trường và dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả thị trường luôn biến động.
Theo con số thống kê của ông Trương Hoàng Hải – Phó Giám đốc NH Nông nghiệp-PTNT tỉnh Sóc Trăng: Tại Ngân hàng này, tính đến thời điểm 31/7/2017 vẫn còn 240 tỷ vay để làm thủy sản đến hạn phải trả nhưng có tới 50% không thể có khả năng trả nợ. Một số người đã bỏ địa phương đi làm ăn xa, một số làm không có hiệu quả thì bỏ đất trống không làm nữa… nên khó thu nợ.
Chính vì thế, để con tôm đạt giá trị cao hơn, theo bà Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng: “Chúng tôi xác định phải tổ chức lại sản xuất bằng việc hình thành chuỗi giá trị. Thời gian qua, thực hiện các chương trình thực hành nuôi tốt như Vietgap, CRSD,… để hướng các tổ hợp tác xã đạt các tiêu chí. Ngoài liên kết, chia sẻ, bảo vệ môi trường, bảo đảm sản phẩm đầu ra có chất lượng thì còn kết nối với các nhà máy chế biến. Hiện nay, trên địa bàn có 12 tổ hợp tác, HTX có liên kết với Công ty thủy sản sạch Sóc Trăng và Tabimex”.
Xung đột lợi ích người nuôi tôm – doanh nghiệp
Những năm qua, Sóc Trăng, Bạc Liêu là những tỉnh có sản lượng nuôi tôm lớn đã tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn; tăng cường quản lý nhóm thương lái, hạn chế bơm chích tạp chất ở thương lái nhỏ lẻ; tăng cường liên kết người nuôi và nhà máy chế biến, lấy nhà máy chế biến làm chủ đạo, hạn chế trung gian.
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, mô hình nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh hiện chiếm trên 80%. Do đó, đầu tiên phải vận động mọi người tham gia các tổ hợp tác, HTX và đồng thời củng cố các tổ HT, HTX đã có. Tập trung các nguồn lực từ vốn, kể cả các chương trình, dự án cho các tổ hợp tác, HTX cho bà con thấy được lợi ích khi vào các tổ, nhóm này.
Ông Võ Văn Phục – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) cho biết: “Chương trình này rất có lợi cho người nuôi tôm. Thứ nhất, họ không bị thương lái ép giá. Thứ hai, khi ký hợp đồng với các HTX thì lúc nào cũng bao tiêu mua sản phẩm và giá mua cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, làm việc với bà con có nhiều khó khăn (qui mô nhỏ, sản lượng thấp nên chi phí cao). Để tháo gỡ, chúng tôi có giải pháp như kết hợp với các HTX để tổ chức các đội thu gom, tự kéo lưới, vận chuyển lên xe, giúp giảm chi phí, bà con có việc làm.
Đến giờ này, tôi thấy tính an toàn sản phẩm rất đạt. Vì bà con nuôi tôm theo qui trình Vietgap, về màu sắc và các yếu tố khác có thể chưa đạt yêu cầu thị trường nhưng yếu tố an toàn là tốt”.
HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Phú (Cù Lao Dung – Sóc Trăng) là HTX đầu tiên của tỉnh này đạt chứng nhận CRSD. HTX có 9 thành viên, 1 Giám đốc và 2 PGĐ, mới thành lập được 2 năm và muốn có thêm thành viên. Khi là thành viên của HTX sẽ hợp đồng được với các công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc sẽ giảm được giá thành. Khi tham gia theo chuỗi, có các đơn đặt hàng lớn thì các thành viên có thể cùng nhau thực hiện đáp ứng đúng số lượng, chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Tuấn – Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Phú, việc tham gia xây dựng, phát triển các tổ hợp tác xã hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. “Khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là về trụ sở và vốn. Hiện tại trụ sở chính vẫn đang thuê, hướng tới sẽ kiếm mặt bằng để xây trụ sở cố định. Khi ký hợp đồng cung cấp chuỗi nhưng ký xong có khi lại thực hiện chưa rõ ràng. Nhiều khi ký hợp đồng với cty tiêu thụ tôm thịt với giá cao hơn khoảng 5.000-6.000 đồng/kg nhưng khi có tôm sạch rồi thì số lượng ít lại không tới. Bên hộ nuôi cũng chưa có trách nhiệm trở lại. Hiện tại, vướng mắc lớn nhất là việc thỏa thuận giá cả giữa nông dân và doanh nghiệp”.
Dù còn nhiều xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp – người dân nhưng rõ ràng việc liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu xuất khẩu với số lượng và chất lượng cao hơn. “Đầu ra sản phẩm phải đảm bảo không chứa chất kháng sinh cấm, các DN sẽ thu mua giá chênh lệch từ 5.000 – 7.000 đồng/kg so với thời điểm thương lái mua. Đồng thời cũng kêu gọi các công ty cung ứng vật tư đầu vào (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, các thiết bị trong nuôi trồng thủy sản) kết nối với các tổ hợp tác để cung cấp vật tư thiết bị chất lượng với giá cả hợp lý, hạ giá thành sản xuất. Đến nay, Sóc Trăng đã có 18 hợp đồng liên kết đầu vào” – bà Quách Thị Thanh Bình cho biết.
Mô hình sản xuất tôm thương phẩm theo chuỗi với qui mô lớn cần được nhân rộng bằng việc tạo các cơ chế, chính sách để giúp người dân có nền tảng để liên kiết là điều cần làm. Tuy nhiên, thực tế thực hiện còn khá nhiều vướng mắc. Vấn đề này sẽ được đề cập trong bài 2 với nội dung: “Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD: Phải đẩy mạnh liên kết chuỗi”./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn