Bí quyết thành công của ông Út Mới chính là sự tâm huyết dành cho nghề nghiệp
Đam mê với nghề
Lớn lên trong một gia đình không mấy dư dả về kinh tế, nuôi vịt chạy đồng đã trở thành một nghề “định mệnh” đối với ông Lê Ngọc Mới. Mặc dù “bén duyên” khá sớm với nghề nuôi vịt chạy đồng, nhưng mãi đến năm 33 tuổi, kinh tế gia đình ông mới có nhiều khởi sắc khi chuyển từ nuôi vịt thịt sang nuôi vịt đẻ.
Gắn bó với nghề nuôi vịt, ông Mới cho rằng đây là cái nghiệp mà ông trót mang, dù cho nghề này có thăng trầm tới đâu ông vẫn quyết tâm đeo đuổi. Ông Nguyễn Ngọc Mới chia sẻ: “Hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, tôi chứng kiến nhiều bước thăng trầm của cái nghề “du mục” này, tôi không những làm nghề bằng tình yêu, sự đam mê mà tôi còn quyết tâm đưa nghề nghiệp này phát triển ổn định hơn. Tôi muốn trả nợ con vịt và tôi muốn thay đổi quan điểm và định kiến bấy lâu nay người ta đã gán cho loài vật này” là “muốn nghèo nuôi vịt”.
Thời điểm cuối năm 2014 và đầu 2015, trứng vịt đột ngột rớt giá thảm, trứng bán ra thấp hơn giá thành sản xuất nhiều tháng liền khiến cho nhiều hộ chăn nuôi vịt ở Đồng Tháp điêu đứng. Thời điểm này, gia đình ông Mới lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đàn vịt 20 ngàn con đang cho trứng mà giá cả thấp khiến cho ông Mới bị thiệt hại hơn trăm triệu đồng/tháng.
Giá trứng quá rẻ, cho vịt chạy đồng thì gặp nhiều rủi ro, thời điểm này nhiều “đồng nghiệp” của ông Mới phá sản và tuyên bố giải nghệ, ông Mới cũng bắt đầu suy nghĩ sẽ từ bỏ cái nghề nuôi vịt chạy đồng. Tuy nhiên, tình cờ ông Mới có dịp đi TP.Hồ Chí Minh và tham quan tại các siêu thị lớn. Ở đây, ông nhận thấy người tiêu dùng thành thị rất thích sử dụng trứng vịt “sạch”, người ta có thể vui vẻ bỏ ra số tiền cao gần 3 lần so với giá một trứng vịt ông bán ở Tháp Mười chỉ để mua một cái trứng sạch tinh tươm. Đây là mốc quan trọng giúp ông Mới thay đổi tư duy và nhận thức về ngành nghề mà ông đã nhiều năm gắn bó.
Làm giàu bằng tư duy tiến bộ
Chính niềm đam mê đã thôi thúc ông Mới tìm hiểu. Sau thời gian lặn lội từ Đồng Nai ra Vũng Tàu rồi sang Tiền Giang học tập kinh nghiệm, khoảng giữa năm 2015 một mô hình rất mới được ông đem về thử nghiệm với đàn vịt của mình. Không cho vịt chạy đồng rong rủi khắp nơi, ông bắt đầu nhốt vịt lại một chỗ và cho vịt ăn thức ăn (kỹ thuật mới này dân trong nghề gọi là cho vịt nằm rọ). Ban đầu, nhiều đồng nghiệp và gia đình tỏ thái độ không ủng hộ. Bởi họ cho rằng, nuôi vịt chạy đồng đã không có lãi thì nhốt vịt lại cho ăn thức ăn thì chỉ có nước phá sản” - ông Út Mới ngậm ngùi nhớ lại.
Tuy nhiên, cách làm của ông đã được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Và chính nhờ sự đồng hành của địa phương và ngành chuyên môn mà những khó khăn từ việc tổ chức lại sản xuất, kết nối cung cầu của ông Út Mới được kịp thời tháo gỡ.
Sau những thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi vịt bán công nghiệp, ông Út Mới mạnh dạn tìm hiểu các mô hình chăn nuôi vịt công nghiệp ở các trang trại và công ty lớn. Giữa năm 2016, ông lại đưa ra một quyết định táo bạo là đầu tư khoảng trên 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại theo mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín. Ở mô hình này, vịt được tiêm phòng định kỳ, dịch bệnh được khống chế, tất cả thức ăn và nước uống của đàn vịt đều được kiểm soát chặt chẽ và được cập nhật đều đặn trong nhật ký sản xuất hàng ngày. Hiện tại, mô hình chăn nuôi của ông Mới đang được thực hiện theo quy trình VietGAHP, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cũng đang hỗ trợ ông Mới về kỹ thuật cũng như hướng dẫn các thủ tục cần thiết để sản phẩm được chứng nhận VietGAHP.
Chia sẻ về “sự liều lĩnh” của mình, ông Út Mới cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, chăn nuôi theo quy trình sạch là giải pháp tất yếu giúp người nuôi vịt bám trụ lại với nghề. Để tồn tại và thành công không có giải pháp nào khác là mình phải chịu khó học hỏi, làm nghề bằng tất cả tâm huyết và sự đam mê”.
Hiện mô hình chăn nuôi vịt theo quy trình công nghiệp đang đem lại hiệu quả rất cao cho gia đình ông Út Mới. Hiện ngoài thu nhập ổn định từ 10ha trồng lúa, đàn vịt trên 6 ngàn con đang cho trứng cũng giúp gia đình ông Mới có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/tháng. Ông Mới cũng dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng chuồng trại để nâng tổng đàn lên khoảng 8 – 10 ngàn con.
Ngoài giúp cho gia đình trụ vững trong “cơn bão lớn”, mô hình chăn nuôi vịt theo kỹ thuật mới cũng được ông chia sẻ với những đồng nghiệp, bạn hữu xa gần. Ngoài việc giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật, ông Mới còn nhận đỡ đầu cho các hộ chăn nuôi chưa vào được tổ hợp tác. Hiện tại, ông Mới là người “đứng mũi chịu sào” cho Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Tháp Mười. Với những thay đổi mạnh mẽ của mình, ông Lê Ngọc Mới và các tổ viên đang góp phần đưa ngành hàng vịt của Đồng Tháp phát triển theo con đường mới - con đường hiện đại và hội nhập.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn