Xây dựng đời sống văn hóa
Theo ghi nhận tại địa phương, đến nay, toàn huyện Cẩm Thủy có 197 làng, khu dân cư tiến hành xây dựng đơn vị văn hóa; trong đó, 67% đơn vị được công nhận; các làng văn hóa đều có số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 75% trở lên. Cùng đó, toàn huyện có đến 20.579 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 78,9%.
Mặt khác, các thiết chế văn hóa ở thôn, bản, xã, khu dân cư cũng được quan tâm đầu tư xây dựng nhằm nâng cao dân trí và phong trào sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Theo đó, đã xây dựng được 210 nhà văn hóa thôn, 197 tủ sách pháp luật, gần 200 tổ đội văn nghệ khu dân cư. Các hoạt động quản lý, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, lịch sử văn hóa, lễ hội được tăng cường…
Kết quả, sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, đời sống văn hóa tinh thần người dân Cẩm Thủy được nâng cao, thúc đẩy chương trình xây dựng phát triển ngày một mạnh hơn, hiệu quả cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,8 triệu đồng/năm, tăng 14,5 triệu đồng so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,96% (năm 2011) xuống còn 13,41% (năm 2015); các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn... được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đạt 13 tiêu chí NTM, trong đó, 2 xã Cẩm Tân và Cẩm Tú đã được công nhận xã NTM.
Nhiều chuyển biến
Nhờ sự tích cực vào cuộc của cấp ủy đảng chính quyền địa phương Cẩm Thủy trong việc tuyên truyền về xây dựng NTM gắn với phát triển đời sống văn hóa, nhận thức của người dân nơi đây đã dần nâng cao. Người dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã, thị trấn từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh. Đến nay, phần lớn đường liên xã, liên thôn, đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa và bê tông hóa. 5 năm gần đây, từ nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương và huy động từ sức dân, toàn huyện đã đầu tư xây mới và nâng cấp 731,5 km đường giao thông các loại; xây dựng 269 phòng học, 3 trạm y tế xã, 183 nhà văn hóa thôn...
Cùng với đó là sự chuyển biến trong phát triển kinh tế tại địa phương; nhất là nhiều hộ gia đình đã tự phấn đấu vươn lên, tìm các mô hình phát triển kinh tế để làm giàu như: Mô hình trang trại, gia trại nuôi lợn ở xã Cẩm Bình; trồng rừng thâm canh bằng giống cây keo lai ở xã Cẩm Châu; mô hình cải tạo rừng trồng cây cao su ở Cẩm Quý; trồng gấc, nghệ vàng tại các xã Cẩm Vân, Cẩm Phú, Cẩm Ngọc...
Điển hình Cẩm Bình
Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng NTM nhưng bằng sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân năm 2015, Cẩm Bình đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Năm 2016, địa phương phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí trường học và đường giao thông nông thôn. Đến thời điểm hiện tại, Cẩm Bình đã bê tông hóa trên 27 km đường nông thôn; tiến hành nâng cấp, xây mới trạm điện đường dây tải và 0,7 km kênh mương nội đồng; tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường trung học phổ thông, bổ túc văn hóa đạt 99%; thu nhập bình quân đạt 20 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,7%; có 8 làng và trường học được công nhận là làng, cơ quan văn hóa; tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình trên 134 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng.
Với những kết quả đáng khích lệ đó, Cẩm Bình đã được UBND tỉnh Thanh Hóa biểu dương những thành tích của địa phương trong phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn xây dựng NTM. Năm 2016, Cẩm Bình cần tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực tập trung triển khai xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm; phấn đấu 100% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, giữ vững danh hiệu làng, cơ quan văn hóa, góp phần xây dựng NTM thành công.
Theo Ngọc Hân/thuysanvietnam.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn