Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2012 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách - một năm mà hệ thống Ngân hàng phải hết sức cố gắng để không những góp phần vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế mà còn giải quyết được vấn đề nội tại của hệ thống Ngân hàng. Để làm được 2 việc đó, ngành Ngân hàng phải có những giải pháp hết sức quyết liệt, đồng thời phải có sự đồng nhất, chia sẻ của cả NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD).
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng lãi suất ngân hàng là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Không chỉ Chính phủ, NHNN mà đông đảo người dân, doanh nghiệp cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này.
Hiện nay, đã có những tiền đề cho việc giảm lãi suất. Cụ thể, từ tháng 8/2011 trở lại đây, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có chiều hướng giảm dần và đều ở mức dưới 1%, tạo nền tảng cho kỳ vọng giảm lạm phát trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, NHNN đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các TCTD. Nếu việc này làm tốt sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc hơn cho việc giảm lãi suất trong năm 2012.
Mục tiêu của Chính phủ năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức một con số, cụ thể định hướng lạm phát sẽ ở mức 9 – 9,5%. Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá, nếu Việt Nam duy trì các giải pháp quyết liệt như trong năm 2011 thì lạm phát năm 2012 sẽ ở mức 8-8,5%.
Nếu đạt được mục tiêu này vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng thực hiện việc giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm. Như vậy trong năm 2012, mức lãi suất có thể sẽ được giảm dần theo các tín hiệu thị trường, tức là cùng với mức độ giảm lạm phát và vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.
Về việc quản lý thị trường vàng, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, một mặt phải đảm bảo quyền của người dân trong dự trữ vàng, mặt khác phải đảm bảo huy động nguồn vốn đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Theo đánh giá của NHNN, lượng vàng trong dân tương đối lớn, khoảng 300 - 500 tấn. Đây là nguồn lực rất lớn cần cố gắng huy động để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm như vậy, NHNN đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng.
Bên cạnh đó, vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng. Trên cơ sở hai Nghị định nêu trên, NHNN sẽ trình Chính phủ Đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Với các công cụ này, một mặt chúng ta sẽ ngăn chặn được hiện tượng đầu cơ vàng, bình ổn được thị trường vàng, điều tiết giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng thế giới, mặt khác sẽ huy động được lượng vàng trong dân để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo quy định tại Nghị định mới thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu, quyền tích trữ, quyền mua bán vàng của người dân. Thực tế, các TCTD trước đây đã tiến hành huy động vàng và cho vay bằng vàng. Nhưng thời gian vừa qua, đặc biệt là trong năm 2010 và 2011, sự biến động quá lớn của giá vàng làm cho việc huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD gặp nhiều rủi ro, do vậy, hoạt động này chưa phát huy được hiệu quả.
Trong Đề án huy động vàng, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD, hay nói khác, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các TCTD. Mặt khác, với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Về điều hành tỷ giá, với những kết quả đáng khích lệ về ổn định tỷ giá đạt được trong năm 2011 là tiền đề để tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt hơn trong năm 2012. Nếu không có cú sốc đột biến từ bên ngoài và với việc triển khai quyết liệt các chính sách theo Nghị quyết 01 của Chính phủ thì chúng ta có thể giữ ổn định thị trường ngoại hối, mức biến động của đồng Việt Nam không quá 2-3%.
Văn Chính
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn