Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, thành phố phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 3,5-4%; giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp đạt 238 triệu đồng/ha; có thêm ít nhất 22 xã và thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, đạt 38 triệu/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 2,85%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước nước sạch tiêu chuẩn đô thị đạt 61,5%.
Ảnh minh họa |
Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã và các xã thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu.
Cụ thể, về phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội; phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; chú trọng bảo đảm giống có năng suất, chất lượng vượt trội. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuât nông nghiệp. Tổ chức học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trong nước có các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả.
TP Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng một vùng ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đối với các huyện, ít nhất mỗi huyện phải có 1 điểm hoặc mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất nông nghiệp.
Về xây dựng nông thôn mới, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm xây dựng nông thôn mới. Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch và đề án xây dựng NTM cho phù hợp với Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020.
Thành phố cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 tập trung quyết liệt hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu năm 2017 có thêm 22 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Huyện Thanh Trì, Hoài Đức tiếp tục phấn đấu cải thiện tiêu chí môi trường, hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Huyện Gia Lâm, Phúc Thọ tập trung chỉ đạo hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đạt huyện NTM năm 2017; căn cứ hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 tại Thông tư 35/2016/TT- BNNPNT ngày 26/12/2016 của Bộ NN&PTNT, hoàn thiện những chỉ tiêu đạt chuẩn đối với cấp huyện.
Về nâng cao đời sống nông dân, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe, công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt công tác tuyên truyền và truyền thông nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; giải quyết vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thành phố giao Văn phòng điều phối NTM thành phố tổng hợp các kiến nghị của các đơn vị; tham mưu với Ban Chỉ đạo Thành ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho sở, ngành giải quyết. Đề nghị 5 quận (Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) sớm có kế hoạch hỗ trợ các huyện xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
L.T
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn