Khi được quy hoạch lại, rất có thể ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ là trường trung tâm kéo theo nhiều phân hiệu, trường vệ tinh
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo đó, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên là một trong 3 nội dung chính được Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên trong năm học 2017-2018.
Cụ thể, trong quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ phải chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thẳng thắn cho rằng: “Đã có khá nhiều ý kiến về đào tạo sư phạm, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và thực tế khá nhiều người không mong muốn vào ngành sư phạm”.
“Con số thừa 70.000 giáo viên sư phạm mà truyền thông đưa ra dựa trên cơ sở tính toán nào, việc đưa ra con số này có thể khiến hoang mang dư luận. Cũng tương tự, hiện tượng điểm đầu vào các ngành sư phạm kỳ tuyển sinh qua chỉ thấp ở một số trường địa phương còn những trường sư phạm truyền thống điểm đầu vào khá cao. Mặc dù điểm đầu vào không phải tất cả nhưng là tham số đáng quan tâm trong tuyển sinh”, ông Minh nói.
So sánh số lượng giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học với năm học 2015-2016 (Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
Ông Minh cũng cho rằng, việc điểm đầu vào quá thấp trong ngành sư phạm không loại trừ việc một số trường cố tuyển sinh bằng mọi giá.
Cũng theo ông Minh, nếu đúng thì đây là hệ lụy của việc thiếu kiểm soát các cơ sở đào tạo sư phạm, kiểm soát chỉ tiêu không thấu đáo.
Nguyên nhân khiến khá nhiều thí sinh không “mặn mà” với ngành sư phạm cũng được ông Minh chỉ ra không chỉ xuất phát từ tình trạng thừa giáo viên mà còn ở tình trạng đào tạo quá chênh lệch về chất lượng trong đào tạo ngành này.
“Tôi đề nghị Bộ sớm đưa ra quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, trong đó ưu tiên các trường có chất lượng. Các trường sư phạm cũng phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm làm cơ sở để xem xét trường nào có điều kiện tốt hơn để ưu tiên đầu tư, cấp phát tài chính. Nhà nước đầu tư thì Nhà nước có quyền đặt hàng, tránh tình trạng đầu tư theo đầu sinh viên như hiện nay. Việc cho phép các trường thu học phí cao, trao học bổng cao, cam kết có việc làm sau khi ra trường sẽ là cơ sở để Nhà nước đặt hàng”, ông Minh thẳng thắn đề xuất.
Trước tình trạng thừa giáo viên cục bộ tại một số địa phương, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Không khó để xác định nhu cầu giáo viên, với hơn 20 triệu học sinh chia đều cho 25 học sinh/giáo viên sẽ ra con số cụ thể. Vấn đề là cần xác định, bao nhiêu giáo viên được Nhà nước trả lương và bao nhiêu giáo viên sẽ được xã hội trả lương. Chính sách đào tạo giáo viên theo tôi cần có chính sách đặc biệt không phân biệt trường công hay trường tư”.
Cũng tại hội nghị này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn cho rằng, việc quy hoạch hệ thống các trường sư phạm phải quyết liệt, không thể lấy lý do giáo viên các trường sư phạm không có việc làm mà không cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm bởi tiếp tục tuyển sinh đồng nghĩa với dư thừa giáo viên càng ngày càng lớn.
Theo Phó thủ tướng, các trường sư phạm cũng nên có các chương trình chuyển đổi từ đào tạo dài hạn thành đào tạo ngắn hạn, bổ sung để chuẩn bị đội ngũ giáo viên đủ năng lực đáp ứng năng lực giảng dạy chương trình GDPT mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn