Chuyện khởi nghiệp của cô kỹ sư
Sau khi tốt nghiệp khoa Điện tử - Viễn Thông, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.Cần Thơ, cô kỹ sư trẻ đã bị gia đình phản đối quyết liệt trước ý định cất tấm bằng đại học để về quê làm du lịch miệt vườn với dự án trồng 500 cây dừa các loại.
Ông Đào Văn Lâm - ba của Kiều cho biết: “Hồi đầu tôi ngăn cản chuyện này lắm nhưng dần dà nghe con phân tích hướng phát triển cây dừa thành khu du lịch sinh thái, tôi mới chuyển sang ủng hộ…”.
Vườn dừa Tân Lộc do nữ kỹ sư Đào Thị Diễm Kiều xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh; Anh Thư
Từ đây 10.000m2 đất (10 công) đang trồng mận An Phước đã được Diễm Kiều phá bỏ để thay vào đó 1.000 cây dừa các loại. Dưới các ao mương, Kiều cho nạo vét sạch, thông thoáng và thả rất nhiều cá vừa phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, vừa tăng thêm thu nhập.
Để vườn dừa của mình phát triển xanh tốt, trái nhiều, to, nước ngọt, cơm dầy, chị đã cất công sang huyện Chợ Lách (Bến Tre) để học tập kinh nghiệm trồng dừa, nhất là các biện pháp phòng chống sâu bệnh, dịch bệnh trên cây dừa. Bên cạnh đó, Diễm Kiều còn thường xuyên tham khảo ý kiến đóng góp của nhiều nhà khoa học tại Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.
Những cây dừa trong vườn dừa của chị Đào Thị Diễm Kiều vừa cho trái, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch miệt vườn.
Năm 2015, dừa bắt đầu cho trái “chiếng”, Kiều chỉ để lại 500 gốc dừa chất lượng cao, phân bố đều trên diện tích của mình để dừa đủ sức quang hợp ánh sáng, đủ nước tưới và chất dinh dưỡng. Chị sử dụng nguồn phân hữu cơ vốn có rất nhiều tại địa phương như rễ lục bình, bùn đáy ao, phân bò, dơi, trùn quế, phân gà vịt… đi kèm với các loại phân vi sinh để bón cho cây dừa. Từ đó trái dừa của vườn chị Kiều luôn an toàn cho người tiêu dùng.
Vườn dừa Diễm Kiều đẹp, hấp dẫn, thơ mộng trong con mắt nhiều khách du lịch.
Bốn năm qua, mỗi năm 500 cây dừa các loại đã mang về cho chị Kiều từ 300 đến 400 triệu đồng tiền lãi mà không phải bỏ công chăm sóc nặng nhọc. Đó là chưa kể đến nguồn cá dưới ao mương mỗi năm cũng mang về cho chị từ 50 đến 60 triệu đồng.
Thu hút khách trải nghiệm
“Trồng dừa đúng kỹ thuật thì năng suất và chất lượng rất cao, nhẹ công chăm sóc, thu hoạch dài hơi lại không lo giá cả biến động thất thường như những loại cây ăn trái khác”. Chị Đào Thị Diễm Kiều |
Chị Diễm Kiều chia sẻ: “Trồng dừa đúng kỹ thuật thì năng suất và chất lượng rất cao, nhẹ công chăm sóc, thu hoạch dài hơi lại không lo giá cả biến động thất thường như những loại cây ăn trái khác”.
Từ đầu năm 2018 đến nay, nắm bắt nhu cầu khách đến du lịch tại vùng cù lao giữa dòng sông Hậu, lại là trung tâm giao thương cùng lúc nhiều địa phương như huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); huyện Thốt Nốt, quận Ô Môn (TP.Cần Thơ); TP. Long Xuyên (An Giang)... chị Kiều đã hình thành Khu du lịch Vườn dừa Tân Lộc khang trang sạch đẹp.
Đến với vườn dừa, du khách rất thoải mái hưởng thụ bầu không khí trong lành; được bơi xuồng len lỏi giữa cánh rừng dừa; thưởng thức vị ngọt của những trái dừa thơm ngon, an toàn. Bình quân mỗi ngày khu du lịch nhỏ của Diễm Kiều đón từ 100 đến 200 khách đến tham quan, quay phim, chụp ảnh lưu niệm. Riêng các ngày nghỉ, ngày lễ, tết số khách tăng hơn 300%, có nhiều khách nước ngoài.
Vườn dừa du lịch cộng đồng của chị Diễm Kiều thu hút nhiều khách du lịch.
Dịch vụ kinh doanh du lịch vườn dừa đã mang về cho Diễm Kiều khoản thu nhập năm 2018 xấp xỉ 200 triệu đồng. Nếu tính chung các nguồn lãi từ việc bán dừa trái, kinh doanh du lịch, nuôi cá dưới ao, năm 2018 Diễm Kiều có lãi gần 500 triệu đồng.
Mới đây, phường Tân Lộc lại đón nhận tin vui: TP.Cần Thơ đã thông qua dự án quy hoạch, khai thác cù lao sông Hậu thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp.
Ông Đỗ Trung Ngôn - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng các tuyến đường; hình thành mới nhiều điểm du lịch đa dạng, hấp dẫn trong đó vườn dừa Tân Lộc của chị Diễm Kiều là một điểm nhấn quan trọng…”.
Theo Phan Thị Anh Thư/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn