Việc điều chỉnh mô hình quản lý góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình cấp nước tập trung tại Tuyên Quang
Tuy vậy, đòi hỏi không ngừng nâng cao hiệu quả của các công trình cấp nước luôn là vấn đề cấp thiết.
Nhiều công trình khô kiệt
Năm 2014, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng 362 công trình cấp nước tập trung. Kết quả, chỉ có 99 công trình hoạt động bền vững (chiếm 27,3%); 130 công trình hoạt động ở mức bình thường (chiếm 35,9%); 61 công trình hoạt động kém (16,9%); đặc biệt có tới 72 công trình không hoạt động, chiếm 19,9%.
Hiện tại, các công trình cấp nước của Tuyên Quang đang được giao cho tư nhân, cộng đồng, HTX, UBND xã và DN quản lý (chiếm 80%). 20% công trình chưa có Ban quản lý. Các công trình dù ở mô hình quản lý nào cũng có tình trạng hoạt động nơi có hiệu quả, nơi không.
Ông Vi Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, các công trình hoạt động bền vững, phát huy hiệu quả cao thuộc các mô hình DN hoặc tư nhân quản lý. Các đơn vị này tổ chức quản lý theo hướng chuyên nghiệp, cán bộ công nhân quản lý vận hành được đào tạo về năng lực, kỹ thuật và công tác bảo dưỡng duy tu, sửa chữa công trình thường xuyên được quan tâm chú trọng.
Nhờ vậy, mô hình đã khẳng định được năng lực quản lý, khai thác và vận hành công trình, làm thay đổi tích cực về công tác quản lý, khai thác, sử dụng công trình cấp nước tập trung nông thôn.
Mặt khác, các công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động là do không có Ban quản lý hoặc do cộng đồng quản lý. Cộng đồng là mô hình mà người quản lý chưa qua đào tạo hoặc làm việc kiêm nhiệm, có nghĩa vụ nhưng lại không có quyền lợi.
Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác khai thác và bảo vệ công trình; cán bộ quản lý vận hành còn yếu về trình độ kỹ thuật chuyên môn, năng lực quản lý tài chính còn hạn chế. Do đó, nhiều công trình không thu được tiền nước hoặc thu được nhưng không đủ trang trải nên không có đủ kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa những hư hỏng kịp thời. Nhiều công trình ngày càng xuống cấp, không phát huy hết hiệu quả đầu tư. Thực tế trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời trong việc phân giao để tổ chức quản lý, vận hành và khai thác, phát huy hiệu quả của công trình cấp nước tập trung.
Chuyển đổi mô hình
Từ thực tế kiểm tra, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu cho Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. UBND tỉnh ban hành quyết định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với 20 công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Thông tư 54 của Bộ Tài chính. Trong đó, có 17 công trình giao cho Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Tuyên Quang và 3 công trình cho UBND xã quản lý.
Khẳng định hiệu quả của những điều chỉnh trong việc quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung, ông Vi Anh Đức cho biết, theo định hướng, đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện hoàn thành việc giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn theo Thông tư 54 của Bộ Tài chính. Mục tiêu của chương trình là có 95% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, có 70% là nước đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế.
Công trình cấp nước xã Tràng Đà (TP. Tuyên Quang) được xây dựng năm 2007 đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 530 hộ dân. Mặc dù nằm ngay bên cạnh sông Lô song gần như toàn bộ người dân xã Tràng Đà bị thiếu nước sinh hoạt.
Ông Bùi Quang Khanh, công nhân quản lý Trạm cấp nước xã Tràng Đà, Xí nghiệp cấp nước TP. Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh giao quản lý, khai thác và sử dụng công trình nước sạch xã Tràng Đà, Cty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư mới một số thiết bị, nâng số hộ được sử dụng nước sạch của xã từ 530 hộ lên 800 hộ với quy mô phục vụ trên 10 xóm của xã. Rõ ràng, về tay DN chuyên nghiệp, công trình nước chẳng những được hồi sinh mà còn phát huy hơn nữa công năng, hiệu quả sử dụng.
Năm 2013, công trình nước tự chảy xã miền núi Chiêu Yên (huyện Yên Sơn) được khánh thành, thỏa nỗi mong mỏi bao đời của người dân địa phương.
Ngay sau khi công trình đưa vào sử dụng, UBND xã đã thành lập Ban quản lý công trình gồm 4 người đại diện cho 4 thôn được hưởng lợi từ công trình. Bước đầu, có 135 hộ dân đăng ký sử dụng nước từ công trình.
Có lẽ bởi khát vọng có nước trở thành hiện thực mà những người quản lý công trình đã tận tụy với nhiệm vụ chăm lo quản lý, bảo vệ công trình.
Bà Hoàng Thị Nga (thôn Cây Tranh, xã Chiêu Yên) cho biết, Ban quản lý công trình thường xuyên kiểm tra hệ thống bể lắng, đường ống; vận động cho nhân dân, người hưởng lợi về trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ công trình, đồng thời thông báo và triển khai thu nộp kinh phí sử dụng đúng kỳ hạn nên nhân dân phấn khởi và rất tự giác thực hiện. Cho đến nay, công trình không những hoạt động tốt mà còn nâng số dân sử dụng lên 300 hộ.
ĐỒNG VĂN THƯỞNG.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn