Đồng hành với các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai hoạt động hỗ trợ xây dựng “Tủ sách khuyến nông” cho các xã nông thôn mới điển hình tại các tỉnh/thành phố, với quy mô 122 tủ sách (2 tủ sách/2 xã nông thôn mới/tỉnh). Thông qua tủ sách đã tăng cường hoạt động tuyên truyền sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, giới thiệu tiến bộ kỹ thuật, giống mới, thị trường… giúp nông dân cập nhật thêm thông tin về sản xuất, đảm bảo tăng hiệu quả sản xuất để người dân áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình.
Số lượng ấn phẩm đã hỗ trợ các xã khoảng 40 đầu sách/gần 40 nghìn bản, 165 đầu đĩa/2.610 đĩa, với đa dạng các thể loại: Bản tin Thông tin Khuyến nông Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, tài liệu tập huấn, sách hướng dẫn kỹ thuật, tờ gấp, tờ poster, đĩa hình bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số giúp người xem có thể học và làm theo một cách dễ dàng, sách từ trung tâm khuyến nông tỉnh hoặc từ các lớp tập huấn… Nhìn chung, cơ cấu sách khuyến nông đảm bảo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tài liệu hỗ trợ phù hợp và đáp ứng được thông tin về sản xuất nông nghiệp của từng vùng, miền vì căn cứ từ nhu cầu và được các địa phương đánh giá là đã góp phần to lớn trong việc thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo cách truyền thống, hình thành thói quen áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp đúng với tiêu chí của xã nông thôn mới như các xã ở tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Tháp, Bắc Kạn, Hậu Giang, Tuyên Quang, Bình Định…
Hiện nay, Tủ sách khuyến nông được đặt tại Ủy ban nhân dân xã hoặc nhà văn hóa của thôn, trung tâm học tập cộng đồng của xã. Hầu hết việc quản lý tủ sách được giao cho cán bộ khuyến nông của xã hoặc cán bộ xã. Một số địa phương đã kết hợp xây dựng Tủ sách khuyến nông và Tủ sách pháp luật hoặc kết hợp với tủ sách của xã hoặc sử dụng chung với tủ sách điểm khoa học công nghệ của xã nên càng phát huy hiệu quả của tủ sách, được các xã đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Tiêu biểu như Tủ sách xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; Tủ sách tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Tủ sách xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước; Tủ sách xã Hòa Tiến, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng tủ sách mở cửa hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần để phục vụ các tổ chức, nhân dân có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề mình còn đang thắc mắc về kỹ thuật, dịch bệnh, thị trường,...
Thời gian qua, hoạt động “Tủ sách Khuyến nông” tại nhiều địa phương diễn ra rất sôi nổi, điển hình như ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát, xã Nậm Cang huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, theo thống kê mỗi tháng trung bình có 40 - 50 lượt người đến đọc để tìm hiểu kiến thức sản xuất nông nghiệp.. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Một số địa phương do không có kinh phí trang bị tủ sách nên việc lưu giữ tài liệu, đĩa hình gặp khó khăn, dễ bị thất lạc hoặc giá trị sử dụng ngắn do không có thiết bị bảo quản. Một số địa phương khác, đối tượng sử dụng ấn phẩm khuyến nông chủ yếu là cán bộ, công chức, đoàn thể xã mượn đọc, hầu như nông dân chưa tiếp cận được. Nguyên nhân là do nông dân dành nhiều thời gian cho công việc đồng áng, chưa quan tâm, chưa biết và chưa có thói quen đến trung tâm học tập cộng đồng của xã để tìm đọc các loại sách, trong đó có ấn phẩm khuyến nông như xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh tỉnh Long An.
Vừa qua, đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đến thăm và trao tặng sách cho Tủ sách khuyến nông ở buôn K63, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Tại đây, đoàn đã trao đổi và lắng nghe ý kiến của cộng tác viên khuyến nông, lãnh đạo xã về việc sử dụng tủ sách và đánh giá hiệu quả của tủ sách. TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị xã chuyển tủ sách khuyến nông sang nhà văn hóa của xã để nhiều nông dân được tiếp cận hơn. Hội Nông dân và khuyến nông xã thường xuyên thông tin về Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để trao đổi về hiệu quả của tủ sách, đồng thời đề xuất cấp thêm những tài liệu liên quan đến cây, con chủ lực của xã để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cấp phát tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn. Bà Lê Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Drô cho biết: Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng bà con tiếp cận được với tài liệu rất tốt, cứ 9 giờ tối chủ nhật hằng tuần chúng tôi tổ chức họp nhóm theo từng lĩnh vực để bà con đọc tài liệu, trao đổi thông tin sản xuất rất hiệu quả.
Thời gian tới, để phục vụ kịp thời yêu cầu cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp cho cán bộ khuyến nông và nông dân tại các xã nông thôn mới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của việc xây dựng tủ sách khuyến nông; nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách khuyến nông; hàng năm các địa phương cần dành một khoản kinh phí để mua bổ sung sách mới, hoặc trang bị thêm tủ bảo quản ấn phẩm. Đồng thời, trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục xây dựng, vận động cộng tác viên khuyến nông và người dân tích cực tham gia và xây dựng tủ sách khuyến nông, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Theo Thu Hồng/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn