Hệ số ICOR trong lĩnh vực nông nghiệp luôn thấp hơn nhiều so với hệ số ICOR của nền kinh tế
Hiện trạng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Trong những năm qua, tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn với tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và dấu hiệu phục hồi chưa khởi sắc. Lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng ở mức thấp nhất và có xu hướng giảm.
Cơ cấu vốn đầu tư công bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN), vốn vay và vốn DN Nhà nước. Tỷ trọng vốn đầu tư công duy trì ở mức khá ổn định khoảng 35% từ năm 2007 đến 2011.
Sang giai đoạn 2012 đến 2016, tỷ trọng vốn đầu tư đã tăng lên nhưng không nhiều (khoảng 40%). Vốn NSNN bao gồm vốn ngân sách, vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia và các ngành khoảng 35%-65% vốn đầu tư công.
Cơ cấu vốn đầu tư có thay đổi, cùng với vốn đầu tư từ ngân sách, trung bình chiếm khoảng 65% thì nguồn vốn ODA đầu tư cho lĩnh vực này ngày càng được mở rộng và tăng cường, tổng giá trị vốn ODA được ký kết trong giai đoạn 2007 đến 2016 lên đến khoảng 50 tỷ USD.
Ngoài ra, dư nợ cho vay tại các NHTM trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng trưởng qua các năm với tốc độ bình quân 24%/năm.
Mặc dù, quy mô đầu tư chưa cao nhưng lĩnh vực này đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn được tăng cường, nhất là thủy lợi, giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, từng bước thay đổi bộ mặt của nông thôn.
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng là vấn đề được quan tâm nhiều trong thời gian quan. Theo số liệu trên, hệ số ICOR trong lĩnh vực nông nghiệp luôn thấp hơn nhiều so với hệ số ICOR của nền kinh tế. Tính trung bình, hệ số này của nền kinh tế là 5.7 cao hơn nhiều so với lĩnh vực nông nghiệp là 3.7.
Như vậy, nếu so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (hệ số ICOR ở mức 3.0 là hệ số phản ảnh hiệu quả và nền kinh tế phát triển bền vững đối với các nước đang phát triển) thì vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp là tương đối hiệu quả.
Những cố gắng siết chặt đầu tư công và tăng cường huy động đầu tư ngoài nhà nước trong các năm qua đã mang lại kết quả thiết thực. Hiệu quả vốn đầu tư đã được cải thiện dù chưa nhiều.
Lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đối mặt với các thách thức như: Dù vốn đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu (hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu) và không tương xứng với quy mô đóng góp của sản xuất nông nghiệp cho nền kinh tế.
Mặt khác, cơ chế, chính sách thu hút vốn cho nông thôn chưa thực sự năng động và phù hợp. Tỷ lệ vốn ngân sách được huy động cho nông nghiệp ở mức khá thấp, đầu tư dàn trải, chậm giải ngân và nhiều thủ tục rườm rà.
Một số vấn đề đặt ra
Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Cần tăng tỷ trọng vốn ngân sách trong tổng đầu tư xã hội cho nông thôn. Với vai trò quan trọng của nguồn vốn ngân sách, cần có biện pháp sử dụng vốn hiệu quả thông qua phối hợp với các nguồn vốn khác như việc đầu tư cần có trong điểm, đầu tư dứt điểm theo từng hạn mục công trình để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó, cần tuân thủ nguyên tắc quản lý ngân sách và thông qua các chương trình, dự án.
Cần tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư đúng hướng, theo quy hoạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể: tạo môi trường pháp lý và kinh tế cần thiết để doanh nghiệp có thể hoạch định dự án đầu tư, triển khai hoạt động kinh doanh. Các chính sách cũng cần có sự thay đổi theo từng ngành nghề, lĩnh vực và điều chỉnh phù hợp.
Tăng cường quản lý đầu tư, cụ thể là từ giai đoạn lập kế hoạch, thẩm định dự án, phân bổ nguồn vốn, cơ chế huy động vốn. Đồng thời, lập Quỹ nông nghiệp hỗn hợp nhằm đưa các tổ chức tín dụng tham gia vào quá trình giám sát sử dụng vốn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn