Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt. Theo đó, thuế các sản phẩm nông nghiệp của các thành viên AEC như thịt lợn, gà, bò, trái cây sẽ giảm về 0%, từ đó hàng hóa trong khối này sẽ đưa vào Việt Nam với giá rất cạnh tranh.
Tuy là tỉnh có ngành chăn nuôi (lợn, gà) theo hình thức trang trại tập trung lớn nhất cả nước (tỷ lệ hơn 70%) và tính chuyên nghiệp cao, song giá thành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn cao hơn các nước trong AEC khoảng 10%. Nguyên nhân do vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y... phần lớn phải nhập khẩu nên chi phí đầu tư cho sản xuất khá cao.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Vị, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). |
Theo tính toán của các trang trại, giá thành sản xuất lợn hơi từ 41.000 đến 42.000 đồng/kg, gà trắng khoảng 28.000 đồng/kg, gà lông màu từ 38.000 đến 40.000 đồng/kg. Đó là chăn nuôi trang trại tập trung lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ giá thành còn cao hơn. Hiện giá thành gà trắng của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực ASEAN khoảng 4.000 đồng/kg, gà lông màu khoảng 500 đồng/kg, thịt lợn trên 4.000 đồng/kg. Như vậy, thịt lợn, gà trắng trong thời gian tới sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị trường trong nước. Còn gà lông màu giá thành chênh lệch không nhiều nên vẫn còn lợi thế cạnh tranh.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai nhận định, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam rất cao và chưa được quản lý chặt khiến người chăn nuôi bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu ngành chăn nuôi trong nước không có giải pháp hạ giá thành sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết: “Tham gia hội nhập sâu, ngành chăn nuôi chịu tác động lớn nhất vì hiện nay giá thành chăn nuôi của Đồng Nai cao hơn so với nhiều nước do không chủ động được giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước chỉ còn lợi thế là người tiêu dùng Việt Nam, nhưng nếu ngành này không áp dụng khoa học nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sẽ mất lợi thế. Khi đó, ngành chăn nuôi rất khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu từ Hoa Kỳ, các nước trong khối AEC".
Liên kết để chăn nuôi theo chuỗi
Ông Nguyễn Văn Dục, chủ trang trại lợn lớn ở xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) chia sẻ, để giữ được nghề trong bối cảnh hội nhập, ông đã tận dụng nguồn phế thải trong chăn nuôi chạy máy phát điện, tự trộn thức ăn, nhờ vậy giá thành giảm từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên về lâu dài, Chính phủ cần có chính sách để chủ động giống, thuốc thú y, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm hạ giá thành mới đủ sức cạnh tranh.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai: “Thức ăn chăn nuôi quyết định lớn đến giá thành chăn nuôi. Nhà nước nên ban hành giá trần để quản lý. Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã ban hành giá trần cho thức ăn chăn nuôi để khống chế giá, không cho lợi nhuận tập trung vào một vài khâu trong chuỗi”. |
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, hiện nay việc xây dựng chuỗi khép kín để tăng sức cạnh tranh trong chăn nuôi không còn là thế mạnh riêng của các tập đoàn nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước, thậm chí nông dân cũng có thể liên kết để thực hiện. Điển hình như Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) bước đầu thực hiện được chuỗi chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín với khoảng 50 chủ trang trại cùng liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm thịt sạch cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, hợp tác xã này còn là cầu nối liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Ý (thành phố Biên Hòa) Vũ Như Ý nhìn nhận, hiện nay nhiều nhà đầu tư chuyên xây dựng trang trại cho thuê hoặc nuôi gia công cho các công ty nước ngoài đang chuyển sang tự đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Đây đang là hướng đi của Minh Ý và doanh nghiệp đã chủ động được về nguồn vốn, tự sản xuất con giống, liên kết để chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp này đầu tư thêm 2 trang trại chăn nuôi với hàng nghìn con lợn nái, nhờ đó tạo được lợi thế để đàm phán bình đẳng với các đối tác làm ăn.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi cũng đã chủ động “cứu mình” bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập nguyên liệu sản xuất để giảm lệ thuộc. Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom) cho hay, công ty mới khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 200.000 tấn/năm để cung cấp cho hệ thống các trang trại gia công của mình. Việc tự sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp công ty hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh khi Việt Nam bước vào hội nhập sâu.
Theo Lê Hiền/baotintuc.vn