08:54 EST Thứ sáu, 17/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật

Thứ ba - 13/06/2017 20:28
Ngày 13-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 17. Các đại biểu làm việc tại hội trường, tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Các Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các bộ trưởng, trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn nội dung liên quan.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

Chú trọng chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với các phiên chất vấn trước đây, QH dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu QH. Tính đến ngày 12-6, có 86 phiếu chất vấn và 98 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện KSND tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn đại biểu QH. Theo báo cáo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, QH đã nhận được 3.288 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba. Đây là cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ QH chọn bốn nhóm vấn đề chất vấn trình QH quyết định.

Để hoạt động chất vấn đạt được hiệu quả, kết quả cao, Chủ tịch QH đề nghị đại biểu QH nêu câu hỏi ngắn gọn rõ ý, nằm trong nhóm vấn đề đã chọn, không đặt câu hỏi tìm hiểu thông tin hay nắm tình hình. Phiên chất vấn tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, đại biểu QH cần chuẩn bị nội dung tranh luận cụ thể, rõ ý. Các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, không né tránh, nêu rõ hướng khắc phục và giải pháp triển khai để QH có cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa.

Tiếp đó, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV. Báo cáo cho biết: Thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ hai, 63 Đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố đã tổng hợp 3.320 kiến nghị của cử tri gửi tới QH. Trong đó, có 168 kiến nghị (5,1%) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của QH, 3.119 kiến nghị (94%) của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, 13 kiến nghị của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và 20 kiến nghị của các tổ chức chính trị - xã hội. Các kiến nghị đề cập đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và tất cả đã được trả lời, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử QH.

Báo cáo nêu rõ những hạn chế trong công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng thời kiến nghị, Chính phủ nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành, sớm có hình thức nhắc nhở, xử lý cá nhân, cơ quan, không thực hiện trả lời cử tri theo quy định và công khai.

Tổ chức lại sản xuất gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu QH.

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) và một số đại biểu nêu vấn đề: Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp diễn ra chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu; tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch rõ ràng, xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế chưa phù hợp; có tình trạng sản xuất vượt quy hoạch và theo phong trào. Do vậy, tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn tồn tại, như việc ngành chăn nuôi lợn, trồng dưa hấu… bị “vỡ trận” thời gian qua. Đại biểu đề nghị nêu rõ các giải pháp khắc phục. Giải đáp nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tiềm năng sản xuất hiện nay của Việt Nam rất lớn, nhưng khâu chế biến và tổ chức thị trường còn yếu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực và lợi thế của từng địa phương, tính đến nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, cơ cấu lại sản phẩm theo nhóm cho phù hợp.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, một số đại biểu chỉ rõ, công tác lập quy hoạch vẫn chưa phát huy hết đặc thù, lợi thế của địa phương. Công tác rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến đối với sản phẩm chủ lực quốc gia chưa tốt. Chiến lược và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh sản phẩm chủ lực cấp tỉnh kém hiệu quả. Việc xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm đặc sản của các địa phương chưa gắn với xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng cho biết, giống cây, rau hiện nay chưa đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu. Xác định thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới là xuất khẩu rau quả, thủy sản, cho nên thời gian tới các giống cây, con bản địa của Việt Nam sẽ được tập trung phát triển. Về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, Bộ sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ để phát triển 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD; đồng thời phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển các loại cây, con đặc sản bản địa như: xoài Đồng Tháp, vải Thanh Hà, lợn Móng Cái... phù hợp đặc thù vùng miền để phục vụ du lịch, xuất khẩu tại chỗ. Đối với chiến lược phát triển ngành hàng tôm, một ngành hàng có lợi thế đặc biệt, nhu cầu thị trường thế giới mỗi năm tăng khoảng 10%, Việt Nam có lợi thế phát triển, do đó cần tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân. Bộ đã xây dựng đề án cụ thể và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan để chủ động trong sản xuất tôm giống, phát triển khu công nghệ cao về con tôm; vừa nuôi tôm theo hướng sinh thái, vừa nuôi thâm canh nước lợ.

Về câu chuyện "giải cứu thịt lợn", Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, sức sản xuất của Việt Nam tăng trưởng quá nhanh dẫn tới cung vượt cầu; hơn nữa, việc tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp thực tế hiện nay.

Phát biểu ý kiến tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, trả lời của Bộ trưởng về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn chưa thuyết phục vì thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Lập quy hoạch thời điểm đó phù hợp nhưng cơ chế thị trường thay đổi thì Nhà nước cần có sự điều chỉnh thích ứng để có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Nhiều đại biểu đánh giá, tình trạng “được mùa, mất giá” còn có nguyên nhân quan trọng từ việc tổ chức sản xuất chưa tốt, nhất là quy mô và cơ cấu sản xuất chưa theo chuỗi giá trị khép kín. Việc hỗ trợ và khuyến khích hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác để gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm còn yếu.

Các đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) và nhiều đại biểu chất vấn về giải pháp quản lý phân bón, ngăn chặn, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. Bởi hiện nay, còn nhiều vấn đề trong công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng sử dụng chất cấm, trộn tạp chất hoặc hàng có dư lượng hóa chất độc hại vượt ngưỡng vẫn tiếp diễn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đang phối hợp Bộ Công thương sửa đổi lại các quy định hiện hành để chuyển toàn bộ chức năng quản lý phân bón về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định về quản lý phân bón; xây dựng Nghị định xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón; quản lý phân bón, thuốc theo hướng ưu tiên phát triển nông sản hữu cơ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số đại biểu quan tâm giải pháp thúc đẩy các công cụ nghiên cứu, dự báo thị trường, các chương trình liên kết, phát triển chuỗi liên kết trong ngành nông nghiệp từ khâu sản xuất đến phân phối. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, Bộ đã đề nghị thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường để phối hợp Bộ Công thương đẩy mạnh công tác này. Mới đây, các bộ liên quan đã cử cán bộ đi nước ngoài tìm hiểu mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường. Thời gian tới, cần làm tốt công tác cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho xuất khẩu nông sản... Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường trong nghiên cứu và dự báo cung cầu, quy mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Các giải pháp bảo vệ thương hiệu được đại biểu QH đặt ra trước sự việc cá tra Việt Nam gần đây bị một số phương tiện truyền thông ở châu Âu đưa thông tin không đúng, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Bộ trưởng cho rằng, khi hội nhập, cần chuẩn bị các phương án để đối phó các biện pháp phi thương mại. Vừa qua, Bộ đã mời các hãng truyền thông cử đại diện chính thức sang Việt Nam để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất, bảo đảm khách quan trong thông tin.

Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) chất vấn về tình trạng tàu vỏ thép được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67 đang bị hư hỏng nặng sau thời gian ngắn sử dụng, mặc dù cơ sở đóng tàu đều được Bộ cho biết là đủ điều kiện. Về vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh, sau cuộc làm việc với tỉnh Bình Định, hai công ty đóng tàu và ngư dân, xác định 19 tàu sắt hỏng tại Bình Định chủ yếu là hỏng máy và một số bộ phận sắt trên tàu. Trước mắt, Bộ đã đình chỉ chấp nhận hợp đồng mới của hai công ty này, yêu cầu thay máy mới cho tàu hỏng và thay thế thiết bị cùng loại với các thiết bị hỏng hóc khác, thành lập đơn vị thẩm định độc lập để đánh giá khách quan sự cố, mời cơ quan công an vào cuộc... để có giải pháp xử lý triệt để.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) quan tâm chủ trương tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhưng còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Đại biểu lo lắng về việc tích tụ ruộng đất có thể dẫn đến sự bần cùng hóa nông dân? Về chủ trương tích tụ ruộng đất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, triển khai tích tụ ruộng đất có mục tiêu lớn nhất là không để nông dân mất việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực có thu nhập cao hơn, kích thích sản xuất. Hiện nay, chúng ta đã giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho nông dân, quyền sử dụng là của nông dân, nông dân có thể chủ động phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều tỉnh đã triển khai việc tích tụ ruộng đất và có hiệu quả rõ rệt, người dân có thu nhập cao hơn nhất là khi việc tích tụ được triển khai ở quy mô vừa.

Nhiều đại biểu QH quan tâm về những chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nguồn lực để bảo vệ rừng còn phân tán chưa đủ mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ phát triển rừng và sống bằng nghề rừng. Trả lời những nội dung này, Bộ trưởng cho biết, để khuyến khích đồng bào giữ rừng, Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực để giữ rừng, bảo vệ rừng thông qua hai việc: Khoanh nuôi, chăm sóc và Phát triển kinh tế rừng. Những năm qua, công tác này đã có những kết quả nhất định, trong đó có kết quả xuất khẩu gỗ rất đáng mừng. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, trung bình đạt gần 6,72 tỷ USD/năm (gấp 2,3 lần bình quân năm của giai đoạn 5 năm trước). Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục đầu tư phát triển rừng với tinh thần gấp ba lần giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay chưa cân đối được nguồn vốn. Để giải quyết khó khăn này, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nguồn lực bằng các hình thức xã hội hóa, qua đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để giúp nhân dân có thể sống ổn định bằng trồng rừng và bảo vệ rừng…

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phát biểu ý kiến, làm rõ thêm những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Trong đó, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp khi hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, khoa học - công nghệ. Tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh lớn. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các vùng, ngành, của sản phẩm, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng; phát triển mạnh công nghiệp, ngành nghề tiểu công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn để giải quyết việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn. Hơn nữa, chú trọng các giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học; tổ chức lại thương mại, sản xuất nông sản trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức để nông dân có đủ kiến thức nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu trên thị trường; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, để giải quyết việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu ý kiến giải trình trước QH về việc tổ chức thị trường, cơ cấu lại các ngành hàng nông sản để phát huy lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là những lĩnh vực rất quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp này, QH dành phần chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với lĩnh vực này. Qua phiên chất vấn cho thấy, Bộ trưởng nắm chắc, nắm rõ thực trạng các vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Phần trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, rõ ràng, có nêu ra hướng khắc phục cụ thể những hạn chế, yếu kém của ngành trong thời gian tới. Đã có nhiều đại biểu tỏ vẻ hài lòng đối với phần trả lời của Bộ trưởng; tuy nhiên cũng còn nhiều đại biểu muốn tiếp tục tranh luận và chưa hài lòng về những nội dung mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu ra.

Chủ tịch QH đề nghị trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của T.Ư về phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân; tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nghiên cứu, ban hành cơ chế để liên kết bốn nhà phát huy hiệu quả cao hơn nữa… Bên cạnh đó, cần làm tốt các công tác bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành mở rộng thị trường ngoài nước, củng cố, giữ vững thị trường trong nước; làm tốt công tác quản lý tổ chức sản xuất; xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý vật tư nông nghiệp…

Khắc phục hạn chế trong quản lý văn hóa, nghệ thuật, du lịch

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện tập trung giải trình các nội dung liên quan công tác quản lý của ngành. Trước QH, Bộ trưởng nhận trách nhiệm với những vụ việc xảy ra tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch. Bộ trưởng cho biết, những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch là bài học sâu sắc với công tác quản lý nhà nước, ngành, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm người đứng đầu đối với những sự việc vừa qua. Bộ trưởng cho biết, ngành đã và đang tập trung quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, đổi mới tư duy công tác quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao kỷ luật chuyên môn, đạo đức công vụ và phương pháp điều hành trong thực thi công vụ để công tác quản lý nhà nước của ngành ngày càng hiệu quả hơn. Bộ tiếp tục chỉ đạo, điều hành đổi mới với tinh thần nghiêm túc, cầu thị cao nhất...

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), trong báo cáo của Bộ VHTTDL, tại phần quản lý cấp phép hoạt động văn hóa - nghệ thuật, dường như ngành “nặng” thiên về hoạt động xin phép - cấp phép và đề nghị Bộ trưởng đánh giá việc cấp phép các hoạt động văn hóa - nghệ thuật có những bất cập gì và giải pháp thời gian tới? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận những sự việc xảy ra vừa qua trước hết do năng lực cán bộ còn nhiều hạn chế. Bộ đang tiến hành xác định làm rõ trách nhiệm và tìm nguyên nhân những sai sót, yếu kém trong việc cấp phép. Trên cơ sở đó sẽ có các giải pháp đào tạo nhằm nâng cao năng lực, nâng cao đạo đức nghiệp vụ, đồng thời thuyên chuyển những cán bộ chưa phù hợp.

Nhiều đại biểu QH bày tỏ quan tâm vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Một số chất vấn bày tỏ sự lo lắng về đạo đức học đường; thiết chế, công trình văn hóa tại khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ người lao động, công nhân... ở nhiều nơi chưa được quan tâm… Đối với những nội dung này, Bộ trưởng cho rằng, đây là những vấn đề rất lớn và Bộ VHTTDL đã có cơ chế phối hợp các bộ, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tổng LĐLĐ Việt Nam... trao đổi, thảo luận và đề ra các giải pháp phù hợp yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu thí dụ về vấn đề thu phí tác quyền tại các quán cà-phê, theo đầu máy thu hình, như vậy là “trùng thu hai lần”, điều này sẽ hạn chế tiếp cận các sản phẩm văn hóa, âm nhạc trong nước và thể hiện sự không công bằng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Việc thu phí bản quyền với người sử dụng các bài hát của các nhạc sĩ sáng tác vì mục đích thương mại thì phải trả tiền theo điều 26 và điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; và điều 35 của Nghị định 100. Việc có những sửa đổi về quy định này là nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… Như vậy, việc thu phí là có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, hình thức triển khai thu phí còn một số vấn đề, như thu thế nào, mức thu đã hợp lý chưa… Bộ đã yêu cầu dừng việc thu phí, rà soát lại kỹ lưỡng để bảo đảm tính phù hợp, đúng pháp luật...

Các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và một số đại biểu chất vấn về quy hoạch phát triển du lịch, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu những nội dung liên quan quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Tham gia trả lời về vấn đề đang được đại biểu QH, cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đã nghiên cứu kỹ những vấn đề về khu du lịch Sơn Trà, đồng thời yêu cầu lãnh đạo TP Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội Du lịch để trao đổi, đi đến đồng thuận các vấn đề liên quan. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phát triển bền vững trong cách tiếp cận với khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng). Được biết, Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà được phê duyệt năm 2016. Trước đó, Đà Nẵng đã cấp phép cho 11 dự án du lịch với quy mô khoảng hơn 5.000 phòng lưu trú. Tuy nhiên, quy hoạch này đã điều chỉnh, rút xuống còn khoảng 1.600 phòng. Khi quy hoạch được công bố vào đầu năm 2017, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó nêu cần giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà hiện nay.

Tham gia tranh luận tại hội trường về nội dung nêu trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề khu du lịch quốc gia Sơn Trà không chỉ là của riêng Đà Nẵng, Chính phủ cần vào cuộc, vì Sơn Trà cũng như Hạ Long, Phú Quốc, Cát Bà... là tài sản của cả nước, không thể giao cho địa phương tự giải quyết, tự quyết định...

Bên cạnh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, trong thời gian qua, rõ ràng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế ở nhiều sản phẩm và trong toàn ngành. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra và chưa có những giải pháp hữu hiệu. Gần đây nhất, tình trạng dư thừa thịt lợn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do chất lượng quy hoạch của chúng ta chưa cao. Vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước, chưa phù hợp năng lực sản xuất của các lĩnh vực nông nghiệp, chưa gắn với nhu cầu của thị trường…

Phó Thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG

Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm thứ tự ưu tiên trong quá trình giải quyết nợ xấu. Ở mảng nông nghiệp, tôi rất lo ngại cho bà con sản xuất nông nghiệp, bởi nhiều yếu tố khách quan như thiên tai mà dễ nợ quá hạn. Hiện nay, chưa biết các tổ chức tín dụng nắm giữ bao nhiêu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nông dân. Trong đó, bao nhiêu Giấy chứng nhận nông dân tự đi thế chấp, bao nhiêu Giấy chứng nhận bị lừa đảo, bị lợi dụng để thế chấp? Nếu việc này làm không chắc chắn, không có thứ tự ưu tiên thì e rằng sẽ gây ra vấn đề về xã hội.

Đại biểu TRẦN SỸ THANH

(Lạng Sơn)

Qua ý kiến của nhiều bà con nông dân, tôi thấy chúng ta ứng xử với vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn nhiều lúng túng, việc gì dễ thì làm nhưng việc khó thì chưa tập trung và chưa có giải pháp đột phá. Một trong những vấn đề khó nhất hiện nay chính là khâu tổ chức sản xuất, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời nhưng quan trọng là tổ chức như thế nào. Tôi đã nghe một đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời trên Đài truyền hình rằng, việc sản xuất mà không tiêu thụ được, bị dư thừa là do bà con nông dân theo phong trào, thấy gì có lợi thì làm. Tôi nghĩ, phải thấy đó là một điều rất trăn trở và là trách nhiệm của ngành, không nên đổ lỗi tại người nông dân…

Đại biểu NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM

(TP Hồ Chí Minh)

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu, liệu có vô tình khiến một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu được miễn tội, trở thành vô can? Điều này cần giải thích rõ, hoặc cần có nội dung quy định cụ thể trong Nghị quyết để khẳng định: không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nợ xấu, kể cả trong trường hợp nợ xấu đã được xử lý.

Đại biểu CAO ĐÌNH THƯỞNG

(Phú Thọ)

Theo PV/nhanhdan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 89


Hôm nayHôm nay : 37132

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 907251

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73954222