PV: Thưa đồng chí, giai cấp nông dân đóng một vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng dường như cuộc sống của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí có suy nghĩ như thế nào về điều này?
Đồng chí Nguyễn Quốc Cường: Nông dân còn chiếm tỷ lệ cao, sống trên địa bàn nông thôn còn rộng. Nông dân đã và đang có sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay. Nhưng đến nay, nông dân vẫn là đối tượng nghèo nhất, cuộc sống còn gặp khó khăn nhất. Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, có nhiều chủ trương chính sách, có nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chính vì vậy, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những bước phát triển, tiến bộ. Tuy nhiên so với yêu cầu trong tình hình mới vẫn chưa đáp ứng được những mong muốn, nguyện vọng của nông dân hiện nay, nhất là những vấn đề về cơ chế chính sách, về những nguồn lực, về điều kiện làm sao để cho người nông dân có thể chuyển từ nền sản xuất nhỏ manh mún sang sản xuất hàng hoá. Có như vậy họ mới nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống. Hội Nông dân Việt Nam đã xác định việc nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện đời sống cho nông dân là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới mà Đại hội VI vừa thông qua.
Để góp phần vào việc thúc đẩy quá trình thúc đẩy nông dân nông thôn phát triển hơn trong thời gian tới, xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn, Hội nông dân Việt Nam thấy rằng, vấn đề quan trọng, mấu chốt nhất là làm sao để cho người nông dân có điều kiện phát triển được sản xuất trong tình hình hiện nay. Họ rất cần được bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ, nâng cao nhận thức về kiến thức khoa học để có thể ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới có thể nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của nông dân.
Vì vậy, Hội Nông dân đã coi việc đào tạo bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, với chức năng nhiệm vụ của một đoàn thể chính trị xã hội, chúng tôi xác định phải tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương đường lối, chính sách, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới, để cho nông dân thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, thể hiện được vai trò chủ thể trong nông nghiệp nông dân nông thôn để thực hiện sứ mệnh tuy rằng vẻ vang nhưng hết sức nặng nề là “làm chủ nông thôn trong tình hình hiện nay”.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của cán bộ hội viên nông dân trong việc thực hiện trách nhiệm bổn phận của mình xây dựng nông thôn, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thực hiện những nhiệm vụ được giao, phục vụ trước mắt là nâng cao đời sống cải thiện đời sống của từng hộ gia đình, của cộng đồng và xây dựng nông thôn.
PV: Như đồng chí đã nói, nông dân rất cần được bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ, nâng cao nhận thức về kiến thức khoa học để có thể ứng dụng vào sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống. Vậy Hội Nông dân cần lưu ý về đào tạo nghề ở nông thôn như thế nào trong xây dựng nông thôn mới, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Quốc Cường: Đào tạo lao động nghề ở nông thôn là một nội dung có tầm chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Nhưng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phải có sự phân công, phân cấp, thực hiện theo quyết định Đề án 1956 của Chính phủ. Hàng năm, chúng ta đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó 70% đào tạo chuyển sang phi nông nghiệp, 30% là đào tạo là nông nghiệp. Theo sự phân công, Hội Nông dân Việt Nam với khả năng của mình tập trung nhiều vào việc đào tạo số lao động nông dân chuyên làm nông nghiệp. Đây chính là đối tượng trung và cao tuổi, không có điều kiện thoát ly ra khỏi đồng ruộng. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề phải đồng bộ với việc làm. Trong giai đoạn hiện nay, việc đồng bộ chưa tốt lắm. Hội Nông dân sẽ tập trung nghiên cứu khảo sát và có những đề xuất tham mưu cụ thể với các ngành liên quan, tham mưu với Chính phủ để điều chỉnh cơ chế chính sách, làm sao cho việc giữa đào tạo nghề và sử dụng tay nghề sau đào tạo phù hợp và đồng bộ. Có như vậy, việc đào tạo nghề mới có thể phát huy được hiệu quả.
PV: Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định Hội Nông dân là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, nhưng hiện nay Hội Nông dân chỉ là thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, chưa có nguồn lực, chưa được giao nhiệm vụ cụ thể. Theo đồng chí, Hội sẽ có những hoạt động gì để làm tròn nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt?
Đồng chí Nguyễn Quốc Cường: Có thể nói trách nhiệm xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành không riêng gì nông dân. Trong việc xây dựng nông thôn mới, sự phối hợp giữa các cấp các ngành là rất quan trọng, nhưng quan trọng là phải xác định đúng phạm vi, chức năng và đúng khả năng, vai trò của mỗi đơn vị cụ thể. Trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới, vai trò của Hội Nông dân chưa thể hiện rõ, ít tham gia. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ khi việc xây dựng nông thôn mới được xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, Hội đã tự xác định tham gia vào xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Do đó, Hội đã có nhiều hoạt động ở các cấp, chủ động, tham mưu đề xuất với cấp uỷ và chính quyền để được tham gia vào Ban Chỉ đạo, tham gia vào các công đoạn thực hiện, từ khâu quy hoạch, khâu tập trung làm cơ sở hạ tầng và bàn bạc những nội dung cụ thể. Chúng tôi thấy rằng đã có những chuyển động, và nhận thức của các cấp, các ngành đã thấy được vai trò tổ chức Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, Hội nông dân sẽ tham gia tích cực hơn và có hiệu quả hơn, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
PV: Từ trước đến nay, chức năng của Hội Nông dân chủ yếu là tuyên truyền vận động đoàn kết tập hợp. Để tham gia xây dựng nông thôn mới một các hiệu quả và thiết thực, Hội Nông dân sẽ đổi mới phương thức hoạt động như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Quốc Cường: Hội Nông dân có chức năng của một đoàn thể chính trị xã hội là tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, nếu chỉ nặng vào việc tập hợp, tuyên truyền, vận động mà chúng ta vẫn gọi là vận động “chay”, vận động suông thì sẽ không có hiệu quả. Do đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nông dân đã đổi mới phương thức hoạt động, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tập hợp đoàn kết, tuyên truyền với mở rộng đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, tư vấn dịch vụ dạy nghề cho nông dân.
Tháng 5-2011, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 673/QĐ-TTG về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020. Đây chính là cơ chế chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho Hội Nông dân trực tiếp tham gia một số chương trình đề án phát triển văn hóa xã hội ở nông thôn. Từ đó đến nay, Hội đang chuyển mạnh theo hướng này. Tuy nhiên, bây giờ đang là giai đoạn đầu nên việc trực tiếp hoạt động theo hướng đem lại lợi ích thiết thực có thể đo đếm được hay trực tiếp tham gia vào việc thực hiện chương trình cụ thể cũng mới khởi động, chưa thể hiện rõ. Theo hướng này, Hội vừa trực tiếp giúp cho hội viên nông dân nâng cao sản xuất tăng thêm thu nhập, đồng thời vị thế của tổ chức Hội cũng được nâng lên, củng cố thêm để Hội thực hiện chức năng chính của đoàn thể là tập hợp, tuyên truyền, đoàn kết, vận động nông dân.
Trên cơ sở này, rút kinh nghiệm của nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi sẽ xây dựng chương trình hành động, xây dựng kế hoạch với từng nhiệm vụ đã xác định trong văn kiện của Đại hội, tập trung vào những nhiệm vụ lớn như: hỗ trợ nông dân, dạy nghề cho nông dân, tuyên truyền vận động nông dân nâng cao trình độ,kiến thức,nhận thức, ý thức và đặc biệt tập trung cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, chúng tôi xác định phải làm sao để cho người nông dân nâng cao được thu nhập, mới có điều kiện để tham gia xây dựng nông thôn mới.
PV: Xin cám ơn ông!
Nam Hải (Thực hiện) Theo tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn