Nhãn lồng Hưng Yên "được lòng" người tiêu dùng
Bài học từ trái nhãn lồng
Trung tuần tháng 8 vừa qua, một sự kiện lớn, gây chú ý và được người tiêu dùng quan tâm là Lễ hội Tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên lần đầu tiên được tổ chức. Với hơn 30 gian hàng trưng bày sản phẩm nhãn lồng, người tiêu dùng được mua sắm và học cách phân biệt giữa sản phẩm "chính hãng" với sản phẩm "nhái" trên thị trường. Cũng tại đây, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nhãn lồng đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên.
Ngoài Hưng Yên, không ít địa phương có sản phẩm nhãn, nhưng nhãn lồng Hưng Yên được người tiêu dùng biết đến là một loại nhãn đặc biệt, quả to, vỏ vàng óng, cùi dày, giòn, vị ngọt đậm đặc trưng. Bảo tồn và phát triển thương hiệu, Hưng Yên không chủ trương mở rộng diện tích trồng mà tập trung cho một diện tích nhất định, hướng đến sản xuất sạch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.300ha nhãn được trồng tập trung ở thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, cho sản lượng hàng năm khoảng 40.000 tấn. Trong đó, có 155ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hai vùng nhãn ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, Hưng Yên cũng chú trọng đầu tư cho bao bì, thiết kế nhãn hiệu hàng hóa… để sản phẩm dễ được người tiêu dùng nhận diện.
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín cũng là một trong những giải pháp quan trọng của Hưng Yên. Đơn cử, Công ty TNHH nông sản Organic hiện đang được quản lý một mã vùng trồng nhãn tại xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) với diện tích 10,7ha với hơn 80 hộ trồng nhãn. Công ty thường xuyên hướng dẫn người dân các kiến thức trồng nhãn sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu. Nhờ đó, không chỉ được người tiêu dùng địa phương và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước ưa chuộng, sản phẩm nhãn của công ty còn xuất khẩu thành công tới thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào… Hiện, công ty đang triển khai những bước tiếp theo để chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ.
Liên kết để xây dựng thương hiệu
Hiện nay, nước ta có hàng nghìn sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc sản địa phương, tuy nhiên, số lượng sản phẩm được xây dựng thương hiệu thành công như nhãn lồng Hưng Yên không nhiều. Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Nhiều cơ sở sản xuất cũng như người dân chưa hiểu hết giá trị của việc đăng ký bảo hộ nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng. Do vậy, nhiều khi phải về địa phương mới biết đó là sản phẩm truyền thống.
Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân và DN cần liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu. Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh, đầu tư giống, công nghệ sản xuất, chế biến để xây dựng thương hiệu. Từ đó, tạo ra sự bứt phá về sản lượng, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, phải kết hợp giữa xây dựng thương hiệu với các điểm đến du lịch, hội chợ và gắn kết sản phẩm cùng những điểm đến đó; đặc biệt, cần cạnh tranh lành mạnh. Đây được coi như điều kiện tiên quyết để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để bảo vệ chất lượng và danh tiếng cho đặc sản của mình, các nhà sản xuất, kinh doanh tại địa phương nên cùng tập hợp nhau lại trong một tổ chức để tập trung sức mạnh, thống nhất chiến lược, kế hoạch; từng bước xây dựng thương hiệu cho các đặc sản. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn