Phó Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Trần Quang Tuấn cho biết, Vân Tảo có diện tích đất tự nhiên hơn 500 ha (trong đó diện tích đất nông nghiệp 232ha với 50% là đất trồng lúa, còn lại là đất trồng hoa màu), gồm sáu thôn và hai xóm với hơn 10 nghìn nhân khẩu. Nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, cuối năm 2012, UBND xã Vân Tảo đã xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa (DDĐT), với mục tiêu mỗi hộ chỉ còn từ một đến hai thửa ruộng. Việc DĐĐT được gắn với quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng...
Để triển khai DĐĐT, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Vân Tảo đã lựa chọn xóm Giáo thôn Xâm Động và thôn Xâm Hồ để thực hiện điểm, với diện tích hơn 460 nghìn m2. Theo kết quả điều tra của tiểu ban DĐĐT, xóm Giáo có 193 hộ dân, với 461 thửa ruộng; thôn Xâm Hồ có 149 hộ dân với 642 thửa ruộng. Phần diện tích ruộng giao cho các hộ dân hơn 462 nghìn m2; diện tích quỹ đất hai do các thôn quản lý hơn 15 nghìn m2. Diện tích dôi dư là 1.700 m2. Cùng với DĐĐT, xã tiến hành đào đắp 24 tuyến giao thông thủy lợi nội đồng, chiều dài gần 7.000 m...
Qua tìm hiểu được biết, chủ trương DĐĐT của xã Vân Tảo được phần lớn người dân đồng tình ủng hộ. Các bước thực hiện DĐĐT như tuyên truyền, vận động, điều tra, đánh giá hiện trạng, lập và công khai phương án, tổ chức họp dân, bốc thăm nhận ruộng... được thực hiện khá bài bản.
Đối với thôn Xâm Hồ, gồm hai xứ đồng Áp Quế và Đồng Nhà, với tổng diện tích DĐĐT gần 220 nghìn m2. Trước khi tiến hành dồn đổi, có 66 hộ nhận 1-2 ô thửa; 52 hộ nhận 3 ô thửa; 33 hộ nhận 4 ô thửa... Đến nay, việc DĐĐT tại Áp Quế đã hoàn tất. Người dân đã nhận ruộng, đầu tư sản xuất. Tại xứ Đồng Nhà, theo nguyện vọng của bà con, sau DĐĐT phải bảo đảm mỗi hộ đều có cả ruộng cấy lúa, ruộng trồng màu. Tuy nhiên, từ năm 1995, một số người dân có ruộng ở đây đã tự đổi cho nhau; một số hộ còn thuê thêm diện tích để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì thế, khi DĐĐT phải chia lại toàn bộ diện tích các hộ dân đã tự dồn đổi, dẫn đến một số gia đình đã đầu tư công sức, tiền của vào đồng ruộng bị thiệt thòi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hà (ở thôn Xâm Hồ) cho biết, năm 2000, gia đình anh đã tự dồn đổi thành thửa ruộng rộng hơn 500 m2, đầu tư tiền xây tường bao, đổ đất, làm hệ thống tưới tiêu để chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hoa đào. Bên cạnh đó, gia đình anh còn thuê của các hộ gia đình không có khả năng làm ruộng khoảng 1 mẫu để mở rộng diện tích. Theo anh Hà, thu nhập từ trồng hoa, cây ăn quả cao và ổn định hơn nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, thực hiện DĐĐT, khi tiến hành gắp phiếu, gia đình anh gắp phải mảnh ruộng khác, do vậy gia đình lại phải đầu tư lại từ đầu, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế.
|
Thửa ruộng mà gia đình anh Nguyễn Văn Hà chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa đào, cây ăn quả |
Tương tự, gia đình anh Trần Văn Điệp (thôn Xâm Hồ) trước đây cũng đã dồn đổi cho gia đình chú ruột thành ô thửa lớn. Sau khi dồn đổi, vợ chồng anh đã đầu tư nâng nền ruộng cho cao lên, rồi đầu tư giàn bằng tuýp nước, hệ thống tưới nước để trồng bầu, trồng mướp cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa. Nay, sau khi DĐĐT, thửa ruộng gia đình anh đang canh tác rộng khoảng 540m2 có đến 3 gia đình được chia (gắp phiếu) vào đây tạo thành sự manh mún...
“Của đau, con xót”, một số hộ dân ở thôn Xâm Hồ rơi vào hoàn cảnh như gia đình anh Hà, anh Điệp đã có đơn kiến nghị UBND xã Vân Tảo cho họ giữ lại những mảnh ruộng đã tự dồn đổi từ trước và mất nhiều công sức, tiền của đầu tư để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn, hay xem xét có chính sách hỗ trợ cho họ.
|
Một số người dân thôn Xâm Hồ kiến nghị được chính quyền địa phương hỗ trợ hoặc cho giữ lại thửa ruộng mình đã tự dồn đổi và đã chuyển đổi cây trồng |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Hữu Hưng cho biết, việc DĐĐT, chia lại ruộng đất xuất phát từ nguyện vọng của người dân thôn Xâm Hồ muốn có cả đất trồng lúa và trồng màu tại xứ Đồng Nhà và đã được hội nghị nhân dân nhất trí thông qua. Những gia đình đã đầu tư công sức, tiền bạc vào đồng ruộng ít nhiều bị ảnh hưởng, thiệt thòi. UBND xã rất trăn trở, nhưng không thể hỗ trợ các gia đình này vì không có chính sách hay quy định của cấp trên. Chúng tôi đang vận động những gia đình nhận được những mảnh ruộng đã được các hộ như gia đình anh Hà, anh Điệp đầu tư từ trước nên có sự hỗ trợ nhằm tránh thiệt thòi cho họ. Còn thực tế có những ô ruộng nhỏ, chạy kéo dài là do hộ đó chỉ có 1 định suất nên đành phải chia như vậy.
|
Đến nay đã hoàn thành việc cắm mốc giới, bốc thăm, ký nhận và giao ruộng canh tác sau khi DĐĐT tại thôn Xâm Hồ |
Cho đến nay, việc đo đạc, cắm mốc thực địa tại đồng ruộng thôn Xâm Hồ đã hoàn tất. Hầu hết người dân thôn Xâm Hồ đã bốc phiếu, ký nhận và nhận ruộng trên thực địa. Tuy nhiên, do các hộ dân đang trồng màu, cấy lúa nên để tránh xáo trộn, việc giao nhận ruộng giữa các hộ sẽ được tiến hành ngay sau khi thu hoạch.
Được biết, phương án DĐĐT của xã Vân Tảo đã được UBND huyện Thường Tín phê duyệt. Việc DĐĐT ở thôn Xâm Hồ đã hoàn thành, kiến nghị của các hộ dân nêu trên có lẽ thẩm quyền của UBND xã Vân Tảo không thể giải quyết. Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần xem xét, sớm có sự điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy định cho phù hợp với thực tế. Từ đó giúp các địa phương thực hiện DĐĐT sau này bớt gặp phải khó khăn, vướng mắc.