Xã ven biển Hòa Đông, Sóc Trăng.
Về nông thôn Hòa Đông hôm nay, nhiều người cảm nhận được nhiều nét khởi sắc. Đời sống người dân được nâng lên. Trên 90% hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; trên 80% hộ dân có đường lót đal hoặc trải nhựa đến tận nhà;trên 80% hộ có điện, nước sạch sử dụng. Ông Mã Chí Thọ, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết: “Xác định mục tiêu trọng tâm là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn theo hướng bền vững, chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như: nuôi bò thit, dê thịt, nuôi tôm kết hợp cá rô phi. Năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo của xã trên 31% thì nay giảm còn khoảng 6%, thu nhập bình quân đầu người hơn 29 triệu đồng/năm”.
Theo ông Thọ, thành quả quả này là do Đảng bộ xã Hòa Đông đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và tích cực tham gia xây dựng NTM, phát huy tốt quy chế dân chủ, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Trong 5 năm qua, kinh phí xây dựng NTM đạt trên 210 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 40 tỉ đồng.
Để xây dựng NTM thành công, lãnh đạo xã Hòa Đông đặc biệt chú trọng vai trò của người dân để tạo sự đồng thuận cao và mọi người cùng tham gia thực hiện. Ông Mã Chí Thọ cho biết: “Trước khi vận động bà con đóng góp xây dựng NTM, thì xã tổ chức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đoàn hội, họp dân, kết hợp tuyên truyền trong những cuộc sinh hoạt cộng đồng ở các chùa, để bà con hiểu ý nghĩa và quyền lợi của người dân khi tham gia xây dựng NTM. Tất cả các công trình, phần việc đều được đưa ra xin ý kiến người dân, nên bà con rất đồng lòng ủng hộ”.
Với sự chung sức, đồng lòng, 5 năm qua, xã đã huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng cho chương trình này. Theo đó tổng vốn huy động và vốn xây dựng kết cấu hạ tầng trên 210 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 30 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp trên 2,3 tỉ đồng. Đến nay, hạ tầng nông thôn ở Hòa Đông phát triển khá toàn diện, nhất là các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang.
Xác định xây dựng hạ tầng nông thôn để tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, xã đã chọn tiêu chí giao thông làm khâu đột phá. Trong quá trình thực hiện, địa phương luôn làm tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đảm bảo phục vụ lợi ích người dân. Nhờ đó 5 năm qua, Hòa Đông có trên 7000 mét vuông đất được hiến để xây trường, trên 1 tỉ đồng để xây 4 cầu giao thông, 3 tuyến đường trục xã dài 16,8 km được nhựa hóa; đường ấp, đường ngõ xóm được cứng hóa, những công trình được thực hiện từ sự hiến đất, đóng góp tiền, ngày công, vật kiến trúc của người dân để làng quê ngày thêm phát triển. Ông Đỗ Văn Tenl, Bí thư Chi bộ, Trưởng BND ấp Cảng Buối, cho biết: “Khi muốn thực hiện tốt tiêu chí về vệ sinh môi trường, chúng tôi cho họp dân thông báo cùng bà con tình trạng môi trường bị ô nhiễm gây ra dịch bệnh, rồi mới vận động bà con làm hố xử lý rác ở mỗi hộ, dọn dẹp vệ sinh quanh nhà ở, nơi công cộng, trồng cây xanh tạo bóng mát… Từ đó, bà con đều đồng tình tham gia”.
Từ khi xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều chuyển biến về bố trí cơ cấu mùa vụ, mô hình nuôi tôm kết hợp cá rô phi, nuôi tôm áp dụng chế phẩm sinh học cho năng suất cao, ngoài ra còn khuyến khích nông dân thực hiện nhiều mô hình đa canh, đa con; chăn nuôi gia súc, gia cầm góp phần nâng cao thu nhập. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 là 29,03 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 6%. Văn hóa-xã hội phát triển, đời sống vật chất - tinh thần của người dân được nâng cao.
Theo: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn