Tín dụng chảy mạnh vào nông nghiệp
Hội nghị thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá như một “hội nghị Diên Hồng” cho các DN nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời xác định DN là động lực chính để tái cơ cấu nền nông nghiệp và chỉ rõ mục tiêu phát triển DN nông thôn, trong đó có DN đầu tư vào nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ lãnh đạo các bộ ngành tại Hội nghị |
Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, ngành nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa; năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đã từng bước được nâng cao; an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo. Việt Nam đã có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới...
Trong thành quả đó, không thể không nói tới những đóng góp của ngành Ngân hàng. Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định, nông nghiệp, nông thôn luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. Theo đó, trong thời gian qua, NHNN đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá linh hoạt, thận trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường đầu tư cho các DN, đặc biệt là những DN đầu tư vào nông nghiệp.
Các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được NHNN tập trung chỉ đạo rất quyết liệt. Theo đó, từ cuối những năm 2008 đến nay, đã nhiều lần NHNN giảm mạnh các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm khoảng 8,75%/năm; điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ mức 15% xuống hiện còn 6,5%/năm...
Bên cạnh hoạt động cấp tín dụng thông thường, NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo TCTD triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ DN, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP... Không chỉ đưa ra các chương trình, chính sách tín dụng kịp thời, NHNN luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Đến cuối tháng 6/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.431.171 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2017, cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung. Hiện dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành
Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nông nghiệp Việt Nam còn phát triển thiếu bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cho nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định. Chưa kể, DN còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, các chính sách thuế, phí chưa hợp lý, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp chậm phát triển…
Chia sẻ về lý do dẫn tới việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn gặp một số khó khăn, NHNN cho biết, là do sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai; việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; nhiều DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thiếu dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, năng lực tài chính của khách hàng còn hạn chế dẫn đến khả năng hoàn vốn thấp…
Để khắc phục những bất cập trên, đồng thời tăng hiệu quả ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan đề xuất nhà nước cần khuyến khích và ban hành cơ chế phù hợp thúc đẩy quá trình tích hợp chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, nâng cao giá trị cho nông sản, xây dựng thương hiệu nông nghiệp quốc gia để cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, cần tạo hành lang pháp lý nhằm khai mở các nguồn vốn đầu tư thay vì chỉ giới hạn ở việc tài trợ vốn ngân hàng cho hộ kinh doanh cá thể như lâu nay.
Đại diện WB cũng gợi ý một số giải pháp thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam như: Chính phủ cần đóng vai trò tích cực để tăng cường chính sách và đối thoại để có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và nông nghiệp rõ ràng; tạo niềm tin để DN duy trì hoạt động đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ phát triển liên kết giữa các hoạt động đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân địa phương…
Ý thức được tầm quan trọng trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp và để tạo điều kiện hơn nữa cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, ngành Ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng người dân, DN bằng những chính sách hành động. Ngoài cam kết bố trí đủ vốn, NHNN chỉ đạo đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí và kịp thời có giải pháp xử lý khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, hỗ trợ người dân và DN phát triển mở rộng đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, để chính sách tín dụng có hiệu quả, NHNN cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương cũng như các hiệp hội, ngành hàng đẩy mạnh vai trò trong kết nối thông tin, xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân và DN nông nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước… “NHNN đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đánh giá việc triển khai Thông tư 33/2017/TT-BTN&MT về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp tại các địa phương, từ đó đề xuất giải pháp đẩy mạnh triển khai để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc hoàn thiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn” - Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các DN có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực làm tài sản bảo đảm… Đối với đề xuất vướng mắc tại Thông tư 33, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường báo cáo cụ thể tình hình triển khai trước 1/9/2018.
Nhóm PV/http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn