Ngân hàng thương mại rầm rộ khuyến mãi
Khuyến mãi huy động, giảm lãi cho vay
Hôm qua (13-4), Ngân hàng Techcombank cho biết từ ngày 15-4 những khách hàng mở và dùng thẻ visa tại ngân hàng này sẽ có cơ hội nhận một chuyến du lịch trọn gói dành cho hai người tới Thế vận hội Olympic London.
Tại Ngân hàng BIDV, từ ngày 16-4 đến hết 15-5, khách hàng sử dụng các sản phẩm: Vay dành cho khách hàng cá nhân, chuyển tiền trong nước, chuyển tiền quốc tế, đăng ký mới thẻ ATM, thẻ tín dụng… đều được nhận quà tiện ích, bên cạnh đó là chương trình khuyến mãi từ ngày 19-3 đến 16-6, khách hàng gửi tiền trúng ô tô hoặc căn hộ chung cư cao cấp.
Tại Eximbank cũng đang có chương trình “Tiết kiệm online - Vận may trúng lớn” dành cho những khách hàng gửi từ 5 triệu đồng trong thời gian từ ngày 9-4 đến 7-7 qua Internet Banking, Mobile Banking. Chương trình của Vietcombank lại là “Quà tặng kim cương”…
Song song với chương trình khuyến mãi thu hút huy động là các gói giảm lãi suất cho vay.
Ngày 11-4, TienPhong Bank công bố triển khai chính sách tín dụng mới, trong đó ưu tiên cho mục đích vay mua nhà, mua ô tô... Với lĩnh vực công nghệ, mức lãi suất thấp nhất được áp dụng là 14%/năm. ABBank cũng vừa đưa ra gói tín dụng 2.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Lãi suất cho vay của BIDV giảm mạnh nhất đối với cho vay ngắn hạn thông thường với mức lãi suất áp dụng từ 14,5%/năm (giảm 2,5%/năm); cho vay trung dài hạn thông thường với mức lãi suất từ 16,0%/năm (giảm 1,5%/năm); cho vay bất động sản áp dụng như cho vay thông thường.
Techcombank cũng đã tuyên bố dành 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 15% cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu… tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt.
Khó phát hiện huy động vượt trần
Theo ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), cho rằng hiện nay vẫn có tình trạng người dân và một số doanh nghiệp đang gửi tiền với lãi suất huy động cao hơn quy định, khoảng 13%-14% hoặc hơn nữa. Điều đáng nói là trong số các ngân hàng huy động lãi vượt trần, không chỉ có các ngân hàng yếu thanh khoản mà cả ngân hàng đang dư vốn. “Có thể là do yếu tố tâm lý lo sợ người dân sẽ rút tiền ra khỏi hệ thống của một số ngân hàng. Ngay cả khi thanh khoản đã tốt nhưng tâm lý ấy vẫn chưa được giải tỏa. Hoặc cũng có thể niềm tin vào chính sách chống lạm phát hiện nay chưa thực sự ổn định” - ông Tiến nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng cho biết nhiều ngân hàng có tâm lý sợ mất khách hàng ruột. “NHNN cũng khẳng định sẽ không để ngân hàng nào sụp đổ, người dân an tâm gửi tiền ở ngân hàng nào cũng được. Thế nên khi có ngân hàng vượt trần, ngân hàng khác sợ mất khách hàng nên buộc phải vượt trần theo. Nhưng việc vượt trần lãi suất khá tinh vi, khó phát hiện cụ thể lắm” - vị chuyên gia này nói.
Tôi cho rằng hiện nay chúng ta vẫn đang còn một nhóm các ngân hàng yếu chưa được giải quyết xong nên thanh khoản chung của toàn hệ thống chưa đồng đều. Trong một giai đoạn tái cấu trúc, đương nhiên có những mặt tiêu cực, chẳng hạn huy động vượt trần. Tuy nhiên, dù còn chuyện xé rào thì vấn đề quan trọng là nó không làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống và lộ trình tái cấu trúc. TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn