“Gia nhập TPP, ngành Chăn nuôi Việt Nam có 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế xuất nhập khẩu về 0%” - Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc - Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam - khẳng định với phóng viên Báo Công Thương.
Ngành chăn nuôi phải chủ động trong hội nhập
Theo TPP, ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm (từ năm 2015) để chuẩn bị trước khi thuế xuất nhập khẩu về 0%. Ông nhận định như thế nào về “thời gian vàng” này?
- Đây đúng là “thời gian vàng” để ngành chăn nuôi đẩy mạnh tái cơ cấu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất. Để làm được điều này, nỗ lực của ngành chăn nuôi chưa đủ mà phải có cơ chế, chính sách phù hợp của nhà nước. Cụ thể: Chính phủ áp dụng cơ chế tín dụng đặc biệt như: Cho vay lãi suất ưu đãi theo chu kỳ sản xuất, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí chăn nuôi, thú y không hợp lý. Bên cạnh đó, sớm ban hành nghị định về hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi…
Thưa ông, TPP chưa được ký kết, thịt gà Mỹ, thịt bò Úc… đã tràn vào nước ta với giá rẻ. Vậy khi TPP có hiệu lực, thịt nhập khẩu dự báo tăng mạnh. Điều này có đáng lo ngại?
- Chúng ta không nên lo lắng quá bởi hiện nay, lượng thịt nhập khẩu chưa đến mức báo động. Thịt gà nhập khẩu chỉ chiếm 8 - 10%tổng số thịt gà công nghiệp tiêu thụ ở Việt Nam. Trong khi, ở nước ta, thịt gà công nghiệp chiếm 20 - 25% thị phần, còn chủ yếu là thịt gà của các địa phương, gà lông màu, gà đặc sản… Do đó, thịt gà công nghiệp nhập khẩu khó cạnh tranh với thịt gà trong nước. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của người Việt cũng không dễ thay đổi từ “thịt nóng, thịt tươi” sang “thịt đông lạnh”.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có lợi thế về chăn nuôi gà lông màu. Vì vậy, ngành chăn nuôi nên phát triển đàn gà lông màu, tăng sức cạnh tranh cho thịt gà trong nước. Theo ông, điều này thực sự khả quan?
- Điều này chưa hẳn đã đúng, nếu ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gà lông màu thì gà lông màu sẽ ế. Khi ế, giá giảm và người chăn nuôi lại lỗ. Hơn nữa, không phải nước nào, người tiêu dùng cũng thích ăn gà chăn thả. Tôi không bi quan lắm về chăn nuôi gà công nghiệp bởi nếu tổ chức sản xuất theo chuỗi với quy mô lớn, đầu tư công nghệ cao, giá thịt gà công nghiệp có thể giảm từ 25 - 30%. Lúc đó, khả năng cạnh tranh của thịt gà trong nước sẽ cao.
Trong ngành chăn nuôi, chăn nuôi bò có phải là ngành chịu nhiều sức ép nhất khi gia nhập TPP?
- Thịt, sữa bò và gà công nghiệp là những mặt hàng chịu tác động lớn của TPP. Bò thịt Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60%nhu cầu; đàn bò sữa chỉ đảm bảo 28% nhu cầu tiêu dùng sữa tươi và đến năm 2020, mới đạt 50% nhu cầu, còn lại 50% vẫn phải nhập… Đáng lo ngại, chúng ta khó cạnh tranh được về giá. Ví dụ: Sữa New Zealand khoảng 9.000 - 9.4000 đồng/lít, trong khi tại Việt Nam, doanh nghiệp đã thu mua của người dân 10.000 - 13.000 đồng/lít. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta làm mọi cách để chăn nuôi, bởi chăn nuôi gia súc đòi hỏi nhiều yếu tố: Quỹ đất lớn, thức ăn xanh, nguồn nước chất lượng…
Xin cảm ơn ông!
Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
Quỳnh Nga - Lan Anh (Báo Công Thương)