Chăn nuôi lợn được gánh trên vai nhiệm vụ phải tăng tốc đột phá từ nay đến năm 2020
Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Tinh thần của đề án tiếp tục định hướng chuyển dần phương thức chăn nuôi của Việt Nam từ nông hộ sang trang trại. Cụ thể đến năm 2020, đặt mục tiêu đưa chăn nuôi trang trại lên áp đảo (số trang trại nuôi heo tăng từ 30% hiện nay lên 52% năm 2020, gà trang trại từ 30% lên 60%; vịt từ 20% lên 60%…). Trong đó, chăn nuôi lợn, gia cầm và bò sữa được gánh trên vai nhiệm vụ phải tăng tốc đột phá từ nay đến năm 2020.
Để thực hiện cuộc tái thiết ngành chăn nuôi đến năm 2020, Cục Chăn nuôi dự toán tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2014-2020 sẽ lên tới khoảng 74,1 nghìn tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước 6,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 8,8%), vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân là 66,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 90,2%), còn lại là vốn từ các tổ chức quốc tế. Kỳ vọng, đến năm 2020 sẽ tạo ra giá trị gia tăng khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tổng đầu tư 74,1 nghìn tỷ đồng, vực dậy sự tăng trưởng cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Việc thực hiện đề án sẽ tạo ra một sự thay đổi mang tính “đột phá” cho ngành chăn nuôi. Bởi điểm yếu lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ hiếm số lượng lớn, năng suất chưa cao, thiếu sự liên kết, với 80 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 40 triệu hộ chăn nuôi lợn. Người làm giống chỉ biết làm giống, người chăn nuôi chỉ biết chăn nuôi, giết mổ chỉ biết giết mổ… Do đó, muốn cạnh tranh với thịt nhập ngoại, phải đầu tư theo quy mô lớn và cùng liên kết với nhau. Cụ thể, phải xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân. Mô hình này đang được làm rất hiệu quả tại Mỹ, Đài Loan, Thái Lan. Chắc chắn sẽ phù hợp với thực tế Việt Nam cho quy nuôi nhỏ lẻ, nên cần phối hợp qua hợp tác xã gắn kết nông dân hộ nhỏ lẻ tạo thành một khối và DN định hướng giúp bao tiêu sản phẩm.
Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có DN FDI tạo được chuỗi liên kết. Từ giống thức ăn, thú y, trại lợn thịt, trại lợn giống, giết mổ phân phối ra thị trường theo một chuỗi.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng: Trên cả nước chỉ có gần 400 DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhưng lại chủ yếu là các DN về thức ăn chăn nuôi, còn DN về chăn nuôi thực thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để tạo sự đột phá, cần phải lôi kéo các DN lớn cùng vào cuộc. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, vận chuyển… đáp ứng tiêu chuẩn các nước có ngành chăn nuôi đã được phát triển lâu đời như Canada, EU, Mỹ…
Tăng chính sách hỗ trợ
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: Thời gian qua, người chăn nuôi phải tự đi bằng đôi chân của mình. Mặc dù, đã có một số chính sách hỗ trợ như Nghị định 210/2013/NĐ-CP quy định: Những dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô tập trung sẽ được hỗ trợ về vốn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng về điện nước, nhà xưởng, xử lý chất thải, mua thiết bị… Tuy nhiên, thực tế cho thấy DN và người chăn nuôi khó tiếp cận được với các ưu đãi này do thủ tục hồ sơ phức tạp, chậm và chưa rõ ràng. Chưa kể, thiếu các chính sách hỗ trợ cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất vốn vay. Đặc biệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất thải chăn nuôi quá cao, khi lấy tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp áp vào ngành chăn nuôi.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay: Trong năm 2015, để hỗ trợ ngành chăn nuôi Ngân hàng Nhà nước đã nâng điều kiện cho vay tín chấp lên 500 triệu đồng cho những trai trại chăn nuôi, 50 triệu đồng với các hộ nông dân. Tuy nhiên, thời hạn cho vay, phải được điều chỉnh để bám sát được chu kỳ kinh doanh, vòng đời sản phẩm, tránh trường hợp chưa bán được hàng đã đến kỳ thu nợ, tạo sức ép cho chủ kinh doanh phải bán non… “Đầu tư vào nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng có rất nhiều rủi ro. Do đó, những chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ những khó khăn ngành chăn nuôi gặp phải”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, để tạo ra sự “đột phá” cho ngành chăn nuôi, khâu tổ chức sản xuất phải theo hướng hiện đại, quy mô linh hoạt. Chúng ta cần khai thác những lợi thế về mặt khí hậu, kinh nghiệm, lao động, sản phẩm đặc trưng… sao cho hiệu quả nhất.
Nhiều chuyên gia trong ngành kỳ vọng, trong tương lai gần ngành chăn nuôi sẽ xây dựng được chuỗi giá trị của Việt Nam. Bởi chúng ta đang có 4 triệu hộ nông dân nuôi lợn, chỉ cần ít nhất đưa được 10 nghìn hộ vào một chuỗi cũng là một thành công. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn