Con giống
Thông tư 26 của Bộ NN&PTNT vừa ban hành, liên quan sản xuất tôm giống đã quy định cụ thể: vấn đề quản lý chất lượng con giống, điều kiện sản xuất tuân thủ quy trình công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn sinh học, yêu cầu cơ sở sản xuất kinh doanh phải có đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành… Với tôm post và tôm bố mẹ, phải đảm bảo đủ sức khỏe, kích cỡ, tuổi thành thục, không nhiễm bệnh. Con giống nhập về phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra chặt chẽ về dịch bệnh. Thông tư này cho phép cá nhân, tổ chức đủ điều kiện cơ sở vật chất, áp dụng quy trình công nghệ được nghiên cứu và công nhận sẽ được tiến hành gia hóa. Mới đây, tại hội thảo "Định hướng chiến lược phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn cũng khẳng định việc khuyến khích thực hiện gia hóa tôm bố mẹ nhưng phải tuân theo quy trình của nhà nước. Cùng đó cần rà soát lại vấn đề quy hoạch trong sản xuất tôm giống để chủ động được nguồn giống chất lượng, sạch bệnh.
7 tháng, sản lượng tôm thẻ chân trắng cả nước đạt 30.083 tấn - Ảnh: Thanh Ngân
Quy trình và kinh nghiệm nuôi
Trước kia, mô hình nuôi với mật độ dày đặc, xử lý môi trường chưa triệt để, cộng với sự phát triển nóng của ngành tôm khiến người dân đổ xô vào nuôi, đã ảnh hưởng lớn tới năng suất, người nuôi điêu đứng khi dịch bệnh xảy ra liên tục. Nửa đầu năm nay, do thời tiết không thuận lợi, đầu năm nắng nóng bất thường ở ĐBSCL nên dịch bệnh vẫn xảy ra, bao gồm bệnh đốm trắng và Hội chứng hoại tử gan tụy. Tuy nhiên, để phù hợp tình hình, người nuôi hiện nay đã áp dụng hình thức nuôi chính như: quảng canh, bán thâm canh, thâm canh… giúp tăng năng suất. Cùng đó, một số quy trình nuôi được áp dụng tại nhiều địa phương như: nuôi tôm theo quy trình sinh học, quy trình nuôi ba pha, nuôi theo công nghệ Biofloc, nuôi trong nhà bạt… nhằm hạn chế dịch bệnh. Cộng với việc tìm ra nguyên nhân Hội chứng tôm chết sớm (EMS), khuyến cáo cách nuôi đã được nhân rộng, để khống chế dịch bệnh, đem lại thắng lợi vụ nuôi. Nhiều hộ nuôi tôm đã kiểm soát tốt đối với Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi.
Cùng với những quy trình nuôi phù hợp, kinh nghiệm của người nuôi cũng đóng góp vào sự ổn định chung của ngành tôm. Trong đó, qua thời gian tích lũy của từng vụ, kinh nghiệm của người nuôi cũng tăng lên. Người nuôi tham gia áp dụng, đầu tư khoa học công nghệ vào ao nuôi, sau những vụ mùa trắng tay, ý thức trong nuôi tôm của người dân thay đổi, các hộ đều rút ra kinh nghiệm cho vụ nuôi tiếp theo.
Nghiên cứu khoa học
Dịch bệnh EMS làm thiệt hại nặng nề cho người nuôi và ngành. Hội chứng này xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2010 và bùng phát mạnh từ tháng 3/2011. Năm 2012, Việt Nam có 100.776 ha tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh, bao gồm các bệnh Hội chứng gan tụy cấp tính, đốm trắng, đầu vàng..., có nơi tôm chết đến 70%, thậm chí trên 90%. Tôm bị chết sau 30 ngày thả nuôi, ước tính thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng. Tháng 5/2013, Tiến sĩ Donald Lightner, nhà nghiên cứu bệnh học của Trường Đại học Arizona, đã tìm ra nguyên nhân Hội chứng EMS.
Trước đó, cuối tháng 2/2013, tại Việt Nam, Tổng cục Thủy sản cho biết, nguyên nhân khiến tôm sú và tôm thẻ chân trắng chết sớm xảy ra hàng loạt ở các tỉnh thời gian qua là do Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), trong đó có nhiễm vi khuẩn Vibrio. Sau hơn một năm huy động tổng lực các nhà khoa học đầu ngành trong nước nghiên cứu, có sự giúp đỡ của chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã xác định được nguyên nhân khiến tôm chết sớm. Theo Tổng cục Thủy sản, trong khi chờ kết quả cuối cùng, người nuôi cần xử lý ao nuôi triệt để trước khi thả, cần cho lắng, ao xử lý nước riêng biệt..., tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao, diệt giáp xác. Nên thả tôm nuôi từ tháng 3, chọn giống sạch bệnh, được kiểm dịch, không có bệnh đốm trắng đầu vàng, nhiễm vi khuẩn Vibrio. Những nghiên cứu khoa học trên đã góp phần hé lộ dịch bệnh, tìm những cách nuôi phù hợp, hiệu quả cho từng vùng, từng địa phương.
Thị trường
Hiện nay, sản lượng tôm Thái Lan giảm mạnh (dự kiến giảm 50% so với 550.000 tấn năm 2012) do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến nguồn cung hạn chế. 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 6,6%, sang Mỹ tăng 22,4% và Trung Quốc tăng 33,7%. Nguồn cung tôm năm 2013 giảm so với năm 2012 do dịch bệnh tại Thái Lan và nhiều nước khác, dẫn tới giá tôm sẽ giữ xu hướng tăng và ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2013. Nhờ đó, xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến tăng 9% so với 2012, lên 2,4 tỷ USD. Bênh cạnh đó, tại châu Á, cùng với Trung Quốc, khu vực ASEAN cũng là có mức tăng trưởng nhập khẩu tôm Việt Nam tương đối cao và ổn định. 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang ASEAN tăng 15,5% so cùng kỳ năm 2012. Các thị trường có mức tăng trưởng cao là Philippines (tăng 88,5%), Malaysia (tăng 16,8%), Singapore (tăng 3,7%). Tính theo giá trị, Singapore dẫn đầu nhập khẩu tôm của Việt Nam với trên 10,7 triệu USD. Riêng trong tháng 5, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đã tăng 76%. Với việc xác định được nguyên nhân dịch bệnh EMS và áp dụng thành công tại một số hộ nuôi, cộng với diễn biến thị trường như hiện nay, các chuyên gia cho rằng cơ hội cho ngành tôm Việt Nam đang mở ra.
>> Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 6/2013, diện tích tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại 23.938 ha, chiếm 4,2% tổng diện tích thả nuôi, bằng 65% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích tôm sú bị thiệt hại 20.857 ha (chiếm 3,8% diện tích thả nuôi, bằng 63,8% so cùng kỳ năm ngoái), TTCT 3.081 ha (chiếm 17,1% diện tích thả nuôi, bằng 124,9% so cùng kỳ năm ngoái). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn