Cách đây hơn 3 năm, huyện Di Linh đã có sáng kiến tổ chức “Ngày thứ bảy vì dân”. Trong “Ngày thứ bảy vì dân”, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh phân công cán bộ lãnh đạo huyện (Huyện ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ) và người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan của huyện lần lượt đến từng xã để gặp gỡ, đối thoại, trực tiếp lắng nghe ý kiến của cán bộ và người dân; đồng thời, trực tiếp giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, kiến nghị được nêu ra từ cơ sở, theo từng chuyên đề riêng hàng tuần. Đến tháng 4/2016, “Ngày thứ bảy vì dân” được chuyển thành “Ngày thứ bảy vì nông thôn mới”.
"Nội dung sinh hoạt “Ngày thứ bảy vì dân”, tuy rất hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc được kiến nghị từ cơ sở, nhưng xuất phát từ tầm quan trọng của việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); hơn nữa, để phấn đấu đến cuối năm 2019, tất cả 18/18 xã trong toàn huyện đều đạt tiêu chí NTM và đề nghị xét công nhận “huyện NTM”, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh đã quyết định chuyển nội dung sinh hoạt “Ngày thứ bảy vì dân” thành “Ngày thứ bảy vì NTM”. Qua đó, địa phương tập trung giải quyết vấn đề trọng tâm, cụ thể và bao trùm nhất” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Di Linh Nguyễn Canh giải thích với chúng tôi về lý do “khai sinh” Ngày thứ bảy vì NTM. Theo đó, cứ 2 tuần 1 lần, huyện Di Linh duy trì sinh hoạt Ngày thứ bảy vì NTM.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Di Linh, tính đến cuối năm 2015, huyện Di Linh đã có 3 xã đạt tiêu chí “xã NTM” là Tân Châu, Gia Hiệp và Hòa Bắc. Trong năm 2016 này, huyện tiếp tục phấn đấu có thêm 4 xã đạt xã NTM là Đinh Lạc, Gung Ré, Hòa Ninh và Hòa Trung. Đối với 4 xã này, trong thời gian vừa qua, huyện Di Linh đã lần lượt tổ chức Ngày thứ bảy vì NTM. Cùng tham dự sinh hoạt Ngày thứ bảy vì NTM tại các xã, lãnh đạo huyện và các ngành của huyện đã nghe rất nhiều ý kiến phản ánh và kiến nghị từ cơ sở có liên quan đến xây dựng NTM. Kết thúc buổi sinh hoạt, lãnh đạo huyện phát biểu kết luận (sau đó, ban hành bằng văn bản cụ thể) để làm căn cứ triển khai.
Trong Ngày thứ bảy vì NTM tại xã Đinh Lạc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Đình Sỹ chủ trì. Với nội dung làm thế nào để cuối năm 2016 này, xã Đinh Lạc đạt được các tiêu chí NTM, thì có rất nhiều ý kiến đưa ra và được tranh luận, bàn thảo kỹ. Qua đó, vấn đề rút ra là Đinh Lạc cần được tiếp tục vận động “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” để xây dựng một số tuyến đường giao thông nông thôn (thôn Tân Lạc 2, thôn Duệ), hội trường thôn, trường mẫu giáo (1 phòng học bộ môn, 1 nhà hiệu bộ); cải tạo, nâng cấp đường điện nhánh rẽ và “xóa” điện kế tổng tại một số thôn; nâng cấp Trạm Y tế xã (đã bị xuống cấp); xử lý môi trường bị ô nhiễm do chăn nuôi; vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế (hiện nay chỉ mới đạt 57%)… Mặt khác, xã Đinh Lạc cũng cần xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch; tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ đạt TSVM (vì lâu nay Đảng bộ xã chưa đạt TSVM) và xây dựng cả hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Tại xã Gung Ré, trong Ngày thứ bảy vì NTM, Bí thư Huyện ủy Di Linh Nguyễn Canh chủ trì. Qua báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã và nhiều ý kiến phát biểu, Bí thư Huyện ủy kết luận: Đến nay, Gung Ré chỉ mới “cơ bản” hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM. Riêng tiêu chí số 7 (chợ nông thôn), xin “nợ” và đề nghị điều chỉnh sang giai đoạn 2020 - 2025, vì xã Gung Ré nằm cận kề với thị trấn (hiện thị trấn đã có Chợ Trung tâm Di Linh). Tuy nhiên, để xét công nhận đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2016, Gung Ré cần phải tập trung hoàn chỉnh việc điều chỉnh quy hoạch và xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch; tập trung xây dựng hoàn thiện Trường Tiểu học Kim Đồng và cơ sở vật chất Trường Tiểu học Kim Đồng cũ sẽ chuyển giao cho Trường Mẫu giáo Gung Ré; tu sửa, chỉnh trang, nâng cấp Trạm Y tế xã; tích cực vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế (hiện nay chỉ mới đạt 63%)... Ngoài ra, Gung Ré còn phải lưu ý tăng cường giải quyết sự mất cân đối trong sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi kém phát triển); phát triển ngành, nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức các hình thức liên kết sản xuất.
Với xã Hòa Ninh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh Vũ Đình Sơn đã chủ trì Ngày thứ bảy vì NTM. Trong nội dung phát biểu kết luận, Phó Bí thư nhấn mạnh: Tuy cơ bản đáp ứng các tiêu chí NTM, nhưng vẫn còn một số tiêu chí thiếu tính bền vững (giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, môi trường); kinh tế của xã phát triển, nhưng vẫn còn độc canh (chủ yếu là trồng cà phê). Đồng thời, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm (tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển); trong xã hiện còn 4 thôn chưa có hội trường và 5 thôn còn phải sử dụng hội trường thôn để làm phòng học mẫu giáo.
Còn xã Hòa Trung, cũng thông qua Ngày thứ bảy vì NTM, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã cần tiếp thu ý kiến của cán bộ và nhân dân đóng góp. Trước mắt, xã Hòa Trung cần được quan tâm đến các tiêu chí: Quy hoạch (xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch), giáo dục (xây dựng nhà hiệu bộ Trường Tiểu học Hòa Trung), điện (cải tạo, nâng cấp đường điện nhánh rẽ và “xóa” điện kế tổng tại các thôn 6, 7, 8), y tế (bảo hiểm y tế mới đạt 53%), thủy lợi (chống hạn cho cây trồng, chủ yếu là bơm nước từ khe, suối và ao, hồ, giếng khoan do dân tự làm, hiện chưa có công trình thủy lợi nào)…
“Đối với Ngày thứ bảy vì NTM, chúng tôi sẽ duy trì thực hiện trong suốt nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện và cho đến khi nào Di Linh đạt chuẩn “huyện NTM”. Trong thực tế của từng xã, những tiêu chí NTM còn lại chưa đạt đều là những vấn đề còn bất cập, khó thực hiện. Chúng tôi rất kỳ vọng Ngày thứ bảy vì NTM sẽ là một trong những giải pháp giúp cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện cùng với các xã tập trung tháo gỡ những khó khăn này” - Bí thư Huyện ủy Di Linh Nguyễn Canh cho chúng tôi biết.
XUÂN LONG
Nguồn: baolamdong.vn