Đón tôi bằng nụ cười nồng hậu, người đàn ông ngoài lục tuần, ông Hoàng Thanh Thục mời tôi một “thức uống” dân dã của người Nghệ: nước chè xanh. Vừa nhâm nhi ly chè, ông vừa kể, ở đây người ta nuôi ong nội, chứ không phải ong ngoại hay như các mô hình nuôi công nghiệp khác. Con ong nội là ong của người Việt Nam, là giống loài ít bệnh, chất lượng mật tốt, đạt chuẩn. Sau 16 năm nuôi ong, những con ong như những người bạn với tôi.
Nuôi ong, quan trọng là con giống, tức là con ong Chúa. Ông Thục đã tự mình nhân giống, phát triển thành đàn. Ông kể, ong chúa có thể sống từ 4 đến 5 năm, tuy nhiên, người ta thường dùng con ong chúa 1 năm rồi thay mới. Ong chúa rất kĩ tính, tìm con đực để phối không hề đơn giản. Nó thường chọn ra 35 con ong đực, con nào bay với nó cuối cùng là được phối, sau khi phối con ong đực ấy chết. Với con ong chúa, ngày thứ 2, 3 nó đã tập bay, đến ngày thứ 5, 6 nó có thể đi phối. Để rồi... chỉ ăn và đẻ. Vì là ong chúa, nên nó phân chia nhiệm vụ rõ ràng, quy tắc. Ví như từ 15 đến 20 ngày tuổi thì phải xây tổ, từ 20 đến 35 ngày tuổi thì đi lấy mật, lấy phấn (ong thợ), từ 35 đến 40 ngày dọn vệ sinh và từ 45 đến 50 ngày có nhiệm vụ bảo vệ tổ và thông báo cho những con ong khác khi có nguy hiểm.
Rảo một vòng quanh vườn, ông vừa đi vừa kể, một năm có hai mùa nuôi, một là từ tháng 3 đến tháng 7 (âm lịch), hai là từ tháng 10 đến tháng 1 (âm lịch). Mỗi một mùa số lượng nuôi lại khác nhau. Và từ tháng 2 đến tháng 7 (âm lịch) bắt đầu thu hoạch. Ví như mùa đầu chỉ nuôi được 50 thùng, mùa sau tận 100 thùng, 1 thùng có đến hàng nghìn con ong. Thường 1 thùng có đến 4 đến 5 cầu (sau quay ra để lấy mật), bình quân một thùng = 12kg/năm mật. Tính ra, một năm lão nông này thu về 150 triệu đồng, bao gồm bán con giống và bán mật.
Ngoài ra, để lấy mật, thường thì đưa ong vào rừng để 15 ngày đến 1 tháng, sau khi quay lấy mật thì chuyển đi nơi khác. Đặc biệt, khi vào vườn ong không nên đứng chắn ngang cửa tổ, đúng hướng đàn ong đi về. Còn khi đặt thùng ong phải đặt cửa tổ hướng về phía nam, đấy là hướng ấm áp vì giống ong không chịu rét. Để cửa tổ ong hướng khác, đặc biệt là hướng bắc, ong không thuận trong việc sinh sôi bầy đàn và kiếm ăn.
Tuy nhiên, ngoài đam mê, tỉ mỉ, cần mẫn, người nuôi ong phải thật tinh tế, có kĩ thuật và phải am hiểu con ong. Những bệnh như thối ấu trùng, rệp cánh, ỉa chảy... con ong thương bị, nếu người nuôi không nắm bắt hết được những tập tính, đặc điểm của nó thì khó lòng thành công.
Đánh giá về chất lượng, mật ong nội khác hơn nhiều so với mật ong ngoại (mật ong công nghiệp). Theo nhận định của ông, điều dễ nhận biết nhất là “thủy phần” (lượng nước trong mật ong). Với ong nội, phải nuôi tới 35 ngày mới quay lấy mật được, 20% là nước, 80% là mật. Đối với ong ngoại, chỉ cần 5 ngày tới 1 tuần là có thể quay lấy mật, trong đó, 60% đến 70% là nước, còn lại là mật. Đấy là lí do vì sao mật ong ngoại thường nhanh chua (nước trong mật nhiều), còn mật ong nội có màu vàng sóng ánh, để được trong 2 năm.
Tuy vậy, đầu ra của sản phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, trên thị trường, người tiêu dùng rất khó để phân biệt được mật ong nội và ngoại. Giá mật ong nội từ 200.000 đồng đến 230.000 đồng/chai, còn mật ong ngoại chỉ dao động từ 70.000 đồng đến 90.000 đồng/chai. Và hiện, chưa có một đơn vị nào đứng ra thu mua mật ong nội, mà chỉ bán trôi nổi trên thị trường.
Theo Lưu Khuyên/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn